Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy là nhiệm vụ cấp bách

Chiều 31/10, Uỷ ban Xã hội của Quốc hội đã tổ chức họp thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Phó Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Thị Thanh, chủ trì cuộc họp khẳng định sự cần thiết có Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy trong thời gian tới, đồng thời đề nghị tập trung thảo luận, cho ý kiến trên cả 3 lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy trong báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 nhằm bảo đảm tính đồng bộ, toàn diện, bền vững của Chương trình.

Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy là nhiệm vụ cấp bách - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp

Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy là nhiệm vụ cấp bách - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu

Thay mặt Chính phủ, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an báo cáo tóm tắt những nội dung chính của báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Đại tướng khẳng định sự cần thiết xây dựng Chương trình mục tiêu trên cơ sở thực tiễn áp lực tình hình ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước ngày càng phức tạp, khó lường làm tăng nguy cơ đe dọa sức khỏe nhân dân, giống nòi, an ninh, trật tự an toàn xã hội và sự nghiệp phát triển kinh tế văn hóa xã hội của đất nước.

Chương trình nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy; phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về ma túy từ sớm, từ xa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma tuý; bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện, điều trị nghiện ma tuý, hỗ trợ can thiệp y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý cho các đối tượng của Chương trình; từng bước làm giảm bền vững số người nghiện ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma tuý; góp phần chăm sóc, bảo vệ tốt hơn quyền con người, xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội.

Chương trình đề xuất 9 Dự án theo 3 lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy.

Đối với nhóm giảm cầu, gồm 3 Dự án đầu tư cho công tác cai nghiện ma túy; cho các hoạt động truyền thông, giáo dục về phòng, chống ma tuý, tập trung nhóm các đối tượng nhạy cảm, nguy cơ cao như học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp và trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy đồng thời góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật về phòng, chống ma túy cho người dân.

Đối với nhóm giảm tác hại, gồm 1 Dự án tăng cường đáp ứng y tế trong phòng, chống ma tuý tập trung nâng cao chất lượng xác định tình trạng nghiện; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế; điều trị, can thiệp giảm tác hại cho người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy.

Bên cạnh đó, Chương trình cũng bố trí 1 Dự án đầu tư để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma tuý ở cơ sở với mục tiêu chủ động làm tốt công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma tuý từ sớm, từ xa, từ địa bàn cơ sở (bao trùm cả 3 lĩnh vực giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại); cùng với đó là 01 Dự án cho nhiệm vụ giám sát, đánh giá Chương trình.

Chương trình đề ra 6 nhóm giải pháp để tổ chức thực hiện chương trình, gồm: cơ chế, chính sách; tập trung, huy động nguồn lực; tổ chức hiệu quả bộ máy thực hiện Chương trình, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền; giải pháp về khoa học, kỹ thuật và công nghệ; tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế và phân công trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương bảo đảm tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, do chịu tác động trực tiếp của tình hình ma tuý thế giới và khu vực, tình hình tội phạm, tệ nạn ma tuý ở nước ta ngày càng diễn biến hết sức phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động và nguy hiểm. Trung bình mỗi năm, lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ trên 23.000 vụ, 32.000 đối tượng phạm tội về ma túy. Số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy hiện còn ở mức rất cao (trên 223.000 người), chưa được kéo giảm và ngày càng trẻ hóa với xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp, các loại ma túy mới có độc tính cao, làm gia tăng nguy cơ và hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe, giống nòi, chất lượng lực lượng lao động, nhất là thế hệ trẻ; đồng thời là nguyên nhân làm gia tăng các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đe doạ nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước…

Trước tình hình đó, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là nhiệm vụ hết sức trọng tâm, cấp bách. Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện nhằm tập trung đầu tư, giải quyết những vấn đề cấp bách liên quan đến ma túy. Trong đó, nếu không có sự đầu tư tổng thể, chiến lược, có trọng tâm, trọng điểm thì tội phạm và tệ nạn ma túy sẽ ngày càng trở lên nguy hiểm, phức tạp và gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng hơn đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững của đất nước.

Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy là nhiệm vụ cấp bách - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu kết luận

UBXH của Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong quá trình xây dựng Chương trình, đồng thời đánh giá hồ sơ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ, công phu. Thành viên UBXH của Quốc hội thể hiện sự thống nhất cao đối với báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình của Chính phủ, đồng thời nêu một số vấn đề liên quan đến cơ chế quản lý, điều hành Chương trình, nguồn vốn, cơ chế tài chính… nhằm bảo đảm Chương trình thực hiện đồng bộ, hiệu quả, thiết thực.

Bộ Công an tiếp thu các ý kiến của thành viên UBXH, trân trọng cảm ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành để xây dựng Chương trình, tiếp tục khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo quy định, báo cáo QH xem xét, thông qua trong kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật

Video nổi bật