"Việc tử tế" tháng 6 được phát sóng vào tối 10/6 trên kênh VTV1 đã mang đến những câu chuyện, những nhân vật với một trái tim tràn đầy sự yêu thương.
THANH ÂM CỦA HỘI HỌA
Cuộc sống này không thể thiếu những giấc mơ, không thể thiếu những ước vọng bởi chính điều đó là động lực để chúng ta vươn tới những điều tốt đẹp hơn thậm chí tưởng như không thể. Có những giấc mơ đã bắt đầu từ bảng vẽ, hộp màu và khung tranh nhưng đó lại không phải là giấc mơ trở thành một họa sỹ thiên tài mà đó lại là giấc mơ đi tìm những thanh âm từ hội họa cho người khiếm thính. Hoạ sĩ Võ Văn Y chính là một người thầy vô cùng đặc biệt, người thầy đã giúp cho các em có hoàn cảnh kém may mắn tìm được âm thanh trong cảm xúc con tim mình.
Ở lớp học đặc biệt mang tên "Âm thanh hội họa", những bức tranh đã nói thay tiếng lòng cho chủ nhân của mình, bởi họ là những người khiếm thính, những người không được may mắn khi không có khả năng lắng nghe được âm thanh từ cuộc sống.
Cách đây 6 năm, họa sĩ Võ Văn Y đã mở ra một lớp học vẽ hoàn toàn miễn phí dành cho những người kém may mắn, những người không thể nghe thấy âm thanh của cuộc sống. Ông dạy họ cách dùng hội hoạ làm ngôn ngữ giao tiếp và thể hiện cảm xúc của mình thông qua từng tác phẩm.
Chính các em khiếm thính, chính những người thân của các em đã không thể tin có một ngày họ cầm bút vẽ như một họa sỹ thực thụ. Giấc mơ đi tìm thanh âm hội họa cho người khiếm thính hẳn ban đầu khiến nhiều người nghi ngờ nhưng cũng có những người bạn đồng hành hiểu được giấc mơ ý nghĩa đó của thầy Y, họ đã quyết định cùng thầy từng bước biến nó trở thành hiện thực.
Hạnh phúc đã đến sau những khó khăn chồng chất, nhưng cứ đi rồi sẽ đến, nếu muốn sẽ tìm ra cách và cùng với những học trò của mình, những sự hỗ trợ từ cộng đồng, lớp học đã tìm ra cách để duy trì hoạt động, tới nay đã bước sang năm thứ 7.
NHỮNG SẮC MÀU KỲ DIỆU
Từ những ngày đầu làm quen với cọ vẽ, với màu, đến nay các học viên của lớp Âm thanh hội họa đã tự tin thể hiện bản thân mình qua những bức tranh, không những thế, các em còn có thêm thu nhập từ các tác phẩm của mình. Bên cạnh đó, với sự gợi ý của thầy Văn Y, chính các em cũng góp phần đóng góp cho cộng đồng, thay vì nhận, giờ đây các em còn có thể cho đi.
Bạn Bảo Duy – 21 tuổi là một học trò đã tham gia lớp thầy Y được 5-6 năm nay. Bảo Duy ở Cà Mau lên TP Hồ Chí Minh cùng mẹ và em. Vì khiếm thính nên hàng ngày em đi làm các công việc phụ mẹ, may mắn gặp được thầy Văn Y và được thầy chỉ bảo. Nhiều em giống như Bảo Duy cũng có tranh vẽ thường xuyên được mua, có chi phí trang trải trong cuộc sống, không phải phụ thuộc người khác. Thầy và cô cũng giới thiệu tới các cơ sở mỹ nghệ, làm công việc liên quan đến hội họa… để các em có thu nhập ổn định.
Những cái cây chăm bẵm rồi cũng đến lúc ra trái ngọt, điều các thầy cô vui nhất chính là các con tự lập, tự tin vào công sức tài năng của mình. Các học trò của thầy Y cô Vân sẽ luôn coi lớp học như là ngôi nhà thứ 2 của mình, bởi ở đó các em được chắp cánh ước mơ, được thể hiện tiếng nói từ tâm hồn và trái tim vốn không dễ dàng bộc lộ.
VÕ ĐƯỜNG CỦA NHÂN ÁI
Hai võ sư Đình Sơn và Đình Hải có hoàn cảnh khó khăn. Hai anh em phải bươn chải từ bé và được một võ sư nổi tiếng nhận nuôi. Tấm lòng tốt của võ sư đã hun đúc nên bản lĩnh của hai anh em. Họ dần thành công và lại trở thành điểm tựa cho nhiều em bé khó khăn như mình ngày nào. Võ đường Nhân ái đã ra đời như thế.
Võ đường nhân ái với sự sáng lập của anh em Nguyễn Đình Sơn và Nguyễn Đình Hải tại thành phố Huế. Xuất thân từ 2 anh em nhà nghèo, không được học võ, 2 anh em được võ sư nổi tiếng ở Huế nhận nuôi và từ đó ấp ủ mong muốn dạy võ cho trẻ em khó khăn ở thành phố Huế. Hai anh em Đình Sơn, Đình Hải từ những em nhỏ bán vé số đã trở thành những võ sư đầu tiên của Huế đi thi đấu giải quốc gia. Và cũng đã có một lớp học võ miễn phí ở Huế, vượt qua những khó khăn để duy trì được đến tận bây giờ.
Võ đường gắn với tình người – võ đường Nhân ái đã trở thành một vòng tròn lan tỏa, thành cái nôi nuôi dưỡng nhiều nhân tài và biến những ước mơ chinh phục thể thao của các học trò trở thành hiện thực.
Từ lớp học võ của 2 anh mà giờ đây nhiều học trò đã thành danh, trở thành vận động viên quốc gia, dành nhiều giải trong nước, quốc tế. Và anh Sơn cũng truyền cảm hứng cho nhiều võ sư khác mở lớp học võ miễn phí như võ sư Nguyễn Văn Cường ở Hà Nội.
DỰ ÁN "GIAO ƯỚC MƠ BÓNG ĐÁ" CỦA CÔ GÁI TRẺ
Giấc mơ giống như một ngọn lửa, có thể trao truyền có thể nhân lên giống như cách thầy Y truyền tình yêu hội họa cho những học trò khiếm thính hay như cách hai võ sư xây dựng võ đường nhân ái và có những thế hệ truyền nhân.
Và câu chuyện thứ 3 trong chương trình Việc tử tế tháng 6 liên quan đến một cô gái và trái bóng. Xuất phát từ tình yêu trẻ con, niềm đam mê bóng đá, cô gái 25 tuổi Nguyễn Thị Trúc Phương đã trở thành người thắp sáng giấc mơ bóng đá cho hàng ngàn trẻ em vùng cao thông qua dự án "Gieo ước mơ bóng đá".
Khi đi làm thiện nguyện, Trúc Phương đã chứng kiến sự thiếu thốn sân chơi của những em nhỏ vùng cao. Cô bắt đầu xây dựng dự án "Gieo ước mơ bóng đá". Đến nay, đã triển khai được tại 3 tỉnh: Đăk Lắc, Đăk Nông, Hà Giang cùng với 3 lớp học miễn phí tại 3 tỉnh được duy trì thì cô còn tặng khung thành, quần áo, giàu, bóng, gang tay.. cho những bạn nhỏ tại đây.
Trái bóng tròn và những bài học, những niềm vui cùng những đam mê đã được nhân lên. Dự án đã giúp hơn 4.000 trẻ em vùng sâu, vùng xa và vùng cao tiếp cận với bóng đá. Dự án hỗ trợ cơ sở vật chất cho 8 sân bóng làng, xã ở tỉnh Đắk Nông; xây dựng 1 sân bóng, hỗ trợ cơ sở vật chất thường xuyên cho 3 sân bóng, tổ chức giải bóng đá cộng đồng cho thanh thiếu niên ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang…).
Mục tiêu của "Gieo ước mơ bóng đá" theo lời Trúc Phương là tạo điều kiện cho trẻ em ở vùng cao, vùng sâu xa tiếp cận và chơi bóng đá bài bản với đầy đủ dụng cụ. Nhưng điều quan trọng nhất là cô muốn chắp cánh cho đam mê, giúp các em theo đuổi giấc mơ bóng đá.
Giấc mơ thật tuyệt vời vì nó cho động lực để sống, giấc mơ của những nhân vật Việc tử tế còn tuyệt vời hơn khi họ đã nhân giấc mơ cho những người khác rồi lại cùng họ biến nó trở thành hiện thực. Nững nhân vật Việc tử tế đều là những người thực sự giàu có: giàu có tình yêu thương, giàu có những mong ước cho mình và cho nhiều những mảnh đời khó khăn khác.