Việt Nam có thể dịch chuyển đào tạo nhân lực CNTT sang lĩnh vực bán dẫn

Chiều 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn. Hội nghị do Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Hoài Nam; Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Việt Nam có thể dịch chuyển đào tạo nhân lực CNTT sang lĩnh vực bán dẫn - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Ngành công nghiệp bán dẫn có vai trò rất quan trọng, là nền tảng của 3 sự chuyển đổi mang tính cách mạng: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi thông minh.

Hiện nay, ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới phân bố và phát triển không đều, tập trung tại một số nền kinh tế như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc).

Trong bối cảnh hiện nay, do nhiều lý do khác nhau, ngành công nghiệp bán dẫn đang có xu hướng đa dạng hóa, chuyển dịch chuỗi liên kết, cung ứng, sản xuất, nghiên cứu sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Đây là cơ hội và cũng là thách thức với Việt Nam, khi đòi hỏi phải có hạ tầng, thể chế và nhân lực phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo Thủ tướng, nhân lực cũng một trong những yếu tố được các đối tác trông chờ ở Việt Nam. Nếu chuẩn bị tốt nguồn nhân lực thì Việt Nam sẽ nhận được tin tưởng của các đối tác, xúc tiến thu hút đầu tư, phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng bán dẫn.

Từ cuối năm 2023, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", với mục tiêu đào tạo 50-100 nghìn kỹ sư bán dẫn.

Thủ tướng cho biết, hội nghị được tổ chức nhằm lắng nghe các ý kiến để đạt mục tiêu nói trên trong thời gian ngắn nhất có thể.

Gợi ý về cách làm, Thủ tướng cho rằng vừa cần giải pháp tiệm tiến, vừa cần các giải pháp đột phá.

Về cách làm tiệm tiến, Thủ tướng cho rằng, trên nền tảng phát triển công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin đã có, Việt Nam có thể dịch chuyển chương trình đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, điện tử sang lĩnh vực bán dẫn; cùng với đó, hình thành thêm một số khoa tại các cơ sở đào tạo, một số phòng tại các đơn vị nghiên cứu; tận dụng tối đa cơ sở vật chất đã có và bổ sung thêm.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu góp ý về những công việc cần triển khai của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ và các địa phương, "để mở chiến dịch đào tạo nhân lực ngành bán dẫn trên cơ sở tận dụng cơ sở vật chất, nguồn lực hiện có, điều chỉnh phù hợp để đạt mục tiêu đề ra nhưng không xáo trộn quá nhiều".

Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu phát biểu, góp ý thêm về các giải pháp mang tính đột phá để đẩy mạnh đào tạo nhân lực bán dẫn.

Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành kết luận sau hội nghị để các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật

Video nổi bật