2.474/2.765 kiến nghị của cử tri đã được giải quyết
Sáng 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 9 năm 2023; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5; Quốc hội khóa XV; Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023
Về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đã có 2.765 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, 2.474 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời đạt tỷ lệ 89,5%.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo
Theo Trưởng Ban Dân nguyện, việc gửi Báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri của một số Đoàn ĐBQH chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; có kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương vẫn được tập hợp chuyển lên yêu cầu các cơ quan ở Trung ương giải quyết; vẫn còn tình trạng kiến nghị ban hành hướng dẫn về một số nội dung mặc dù đã được pháp luật quy định.
Việc giải quyết, trả lời của cử tri của một số Bộ, ngành chưa đảm bảo thời hạn như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế...
Việc xây dựng trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của một số Bộ ngành còn chậm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân hoặc dẫn đến các địa phương chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện như Bộ Y tế chưa hoàn thiện và trình ban hành chính sách về hỗ trợ thẻ BHYT cho người dân các xã ATK cách mạng nên từ năm 2021 đến nay, người dân ở đây chưa được hỗ trợ về thẻ bảo hiểm y tế; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa hoàn thiện trình ban hành Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia của thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mặc dù đây là quy hoạch trong thời kỳ 10 năm, bắt đầu từ năm 2021…
Về các nội dung kiến nghị liên quan đến ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, 224 kiến nghị đã được trả lời. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ nghiêm túc khắc phục, đẩy nhanh tiến độ trả lời kiến nghị cử tri đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phục vụ tốt nhu cầu của người dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu
Về vấn đề sửa đổi danh mục thuốc chữa bệnh bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Lan cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có danh mục thuốc tương đối đầy đủ và toàn diện so với mức phí bảo hiểm y tế. Danh mục thuốc bảo hiểm y tế của Việt Nam được ghi dưới dạng hoạt chất, thành phần, không ghi hàm lượng, dạng bào chế và tên thương mại, do vậy, việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán tại các cơ sở khám, chữa bệnh, không bị giới hạn bởi các chủng loại thuốc, giá cả thuốc, mà căn cứ vào mô hình bệnh tật để các cơ sở y tế xây dựng danh mục thuốc tại đơn vị, đảm bảo tính chủ động linh hoạt cho các cơ sở y tế.
Bộ Y tế cũng đang phối hợp các bộ ngành rà soát bổ sung danh mục thuốc và coi đây là việc làm thường xuyên, dự kiến đầu năm 2024 sẽ có văn bản để phục vụ người dân.
Liên quan việc khám chữa bệnh thẻ BHYT cho người dân ở các xã ATK, nội dung này đã được Chính phủ chỉ đạo, Bộ Y tế đã trình sửa đổi Nghị định 146. Đến nay, hồ sơ hoàn thiện và Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ ký ban hành.
Về các nội dung kiến nghị liên quan Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chậm trả lời, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết, việc xác minh trả lời về chính sách với thương binh liệt sĩ mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, việc lưu trữ hồ sơ kém nên việc giải quyết chính sách người hưởng lương hưu cũng rất lâu.
Cần tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết, trả lời cử tri
Về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023, ông Dương Thanh Bình đánh giá, việc chủ động tổ chức, thực hiện tiếp công dân của Đoàn ĐBQH, ĐBQH ở một số địa phương còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào kế hoạch tiếp công dân định kỳ của địa phương và phân công của Đoàn ĐBQH.
Chất lượng phân loại, xử lý đơn còn những hạn chế, tình trạng chuyển đơn đến cơ quan không đúng thẩm quyền giải quyết, chuyển đơn lòng vòng giữa các cơ quan của Quốc hội hoặc chuyển đơn đến cơ quan thẩm quyền nhưng không nêu rõ căn cứ pháp lý còn tương đối phổ biến.
Việc thực hiện một số kiến nghị về hoàn thiện các quy định của pháp luật về giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh; quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; bổ sung quy định về trường hợp người có thẩm quyền tự mình rà soát, sửa đổi quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện có sai sót... còn chậm, chưa rõ lộ trình thực hiện.
Quang cảnh phiên họp
Việc rà soát, lập danh sách vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài ở một số địa phương còn thiếu tính chủ động, chưa kịp thời lập kế hoạch và tiến hành kiểm tra, rà soát để giải quyết dứt điểm tại địa phương. Một số vụ việc đã được Thanh tra Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương kiểm tra, rà soát và có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhưng địa phương chưa kịp thời thực hiện dẫn đến vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm.
Ban Dân nguyện kiến nghị, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các Đoàn ĐBQH nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý kiến nghị cử tri; đảm bảo tiến độ, thời gian gửi báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri sau khi ĐBQH tiếp xúc cử tri theo quy định.
Ban Dân nguyện cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ ngành Trung ương chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết, trả lời cử tri; khắc phục những hạn chế đã nêu trong báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Tiếp tục quan tâm rà soát, đánh giá việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thuộc bộ, ngành quản lý để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát theo thẩm quyền quan tâm giải quyết để kịp thời thông tin, trả lời cho cơ quan chuyển đơn và công dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung thảo luận
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận cố gắng của Chính phủ và các Bộ ngành trong giải quyết kiến nghị của cử tri và Người dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, tổ chức nhiều đợt thanh tra kiểm tra.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về các hạn chế trong báo cáo và cho rằng cần có các kiến nghị cụ thể, phân tích rõ khó khăn, cần bổ sung phụ lục các vấn đề phải xin ý kiến nhiều.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục cố gắng, tập trung giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri có hiệu quả, quyết liệt hơn, nhất là thủ tục xin ý kiến của các bộ ngành cần đơn giản hơn, nghiên cứu thời điểm báo cáo có sự thống nhất; đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu, hoàn thiện các báo cáo để trình Quốc hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!