Từ 18 đến 70 tuổi có thể tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Quy định về tiêu chuẩn độ tuổi, trình độ văn hóa lực lượng TGBVANTT

Tại phiên họp sáng ngày 15/11, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (TGBVANTT).

Trình bày báo cáo giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, về tiêu chuẩn tuyển chọn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định độ tuổi tối đa để bảo đảm điều kiện sức khỏe thực hiện nhiệm vụ; đề nghị cân nhắc quy định về tiêu chuẩn văn hóa để bảo đảm tính khả thi.

Thường trực UBQPAN tiếp thu và đã chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung, chỉnh lý cụ thể tại Điều 13 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý để quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia là từ đủ 18 tuổi đến 70 tuổi, trường hợp từ 70 tuổi trở lên mà bảo đảm sức khỏe thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Công an cấp xã.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Từ 18 đến 70 tuổi có thể tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới phát biểu.

Bên cạnh đó chỉnh lý quy định trình độ văn hóa là có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên; đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học.

Về ý kiến đề nghị quy định tiêu chuẩn là “không có tiền án, tiền sự”, Thường trực UBQPAN thấy rằng, nếu quy định tiêu chuẩn “không có tiền án, tiền sự” sẽ không đúng với quy định của pháp luật hình sự về trường hợp đã được xóa án tích và pháp luật xử lý vi phạm hành chính về trường hợp hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính; đồng thời chưa phù hợp với thực tế. Vì vậy, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho phép giữ quy định này như trong dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý.

Về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, có ý kiến đề nghị bổ sung một số nhiệm vụ độc lập cho lực lượng này và nhiệm vụ hỗ trợ công an cấp xã, cơ quan Công an cấp trên bảo vệ hiện trường khi vụ án hình sự xảy ra tại cơ sở; bổ sung quy định trách nhiệm liên đới của công an cấp xã khi lực lượng này thực hiện nhiệm vụ mà vi phạm pháp luật.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Thường trực UBQPAN đã nghiên cứu, rà soát, bổ sung một số nhiệm vụ độc lập phù hợp với vị trí, chức năng của lực lượng TGBVANTT ở cơ sở nhằm phát huy tối đa vai trò của lực lượng này trong bảo vệ ANTT ở cơ sở; xác định rõ trách nhiệm liên đới của công an cấp xã là: "Công an cấp xã chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng TGBVANTT ở cơ sở theo quy định của pháp luật".

Lực lượng TGBVANTT do chính quyền thành lập, người dân tự nguyện tham gia

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết tại Kỳ họp thứ 6, khi cho ý kiến về dự thảo luật, các đại biểu đều đánh giá rất cao tính cầu thị và tiếp thu hoàn thiện dự án luật.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý một số nội dung cần tiếp thu giải trình lần này.

Theo đó, cần lưu ý, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập, trên cơ sở tự nguyện của người dân, để hỗ trợ công an cấp xã và giúp cho uỷ ban nhân dân cùng cấp trong bảo đảm an ninh trật tự. Tính chất tự nguyện tham gia nhưng là tổ chức do chính quyền thành lập.

Từ 18 đến 70 tuổi có thể tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Cần tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý câu chữ theo hướng đây là một tổ chức chịu sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng và quản lý chỉ đạo, điều hành của uỷ ban nhân dân cấp xã và hướng dẫn. Quan hệ giữa lực lượng an ninh trật tự cơ sở với đoàn thể, tổ chức quần chúng là quan hệ phối hợp.

Nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đã bổ sung một số nhiệm vụ độc lập để phù hợp với vị trí chức năng của lực lượng này; tiếp thu, chỉnh lý để nhằm phát huy tối đa vai trò của lực lượng này và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ an ninh trật tự cơ sở; nhấn mạnh xác định trách nhiệm liên đới của Công an cấp xã trong chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ của lực lượng ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, cần tiếp thu ý kiến quy định khung độ tuổi tham gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, Quốc hội đánh giá cao mô hình tổ chức lực lượng, cơ chế, nguyên tắc lãnh đạo, chỉ huy điều hành và việc cụ thể hóa một bước trong việc bổ sung một số trách nhiệm có tính chất quyền của lực lượng này.

Từ 18 đến 70 tuổi có thể tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu.

Đây là mô hình do chính quyền thành lập trên cơ sở tự nguyện của quần chúng, hoạt động theo nguyên tắc là sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của chính quyền. Cơ chế này đã được thể hiện rõ. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp, dự thảo luật đã thể hiện rõ nguyên tắc tổ chức, lãnh đạo lực lượng này, đảm bảo đúng với tính chất của lực lượng.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, về việc bảo đảm điều kiện kinh phí, so với mức chi trả hiện hành là không làm tăng thêm về ngân sách. Việc tăng thêm sau này có thể do địa phương quy định để đảm bảo cao nhất yêu cầu về an ninh trật tự tại mỗi địa phương, tùy theo tình hình thực tế.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cho biết, dự thảo luật đã đảm bảo tính hoàn chỉnh, thể hiện quá trình chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có chất lượng và đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Quốc phòng, An ninh tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan tổ chức hữu quan để rà soát, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện văn phong kỹ thuật văn bản dự thảo Luật, chú ý rà soát kỹ các điều khoản chuyển tiếp, hiệu lực thi hành để trình Quốc hội xem xét thông qua.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật

Video nổi bật