Hôm nay (15/8), tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25 (tháng 8/2023), Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn 2 nhóm vấn đề gồm lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp và lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Phiên chất vấn sẽ được tổ chức tại Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết nối truyền hình trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Việc chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành theo nhóm vấn đề; người trả lời chất vấn không trình bày báo cáo, có thể phát biểu về vấn đề chất vấn không quá 5 phút trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn; mỗi lượt có 3 đến 5 đại biểu đặt câu hỏi, mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút; người được chất vấn trả lời không quá 3 phút/1 nội dung chất vấn.
Trong quá trình chất vấn, đại biểu Quốc hội có quyền tranh luận đối với người trả lời chất vấn để làm rõ những vấn đề đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng; thời gian tranh luận không quá 02 phút (đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn và tranh luận qua app Quốc hội).
Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết làm cơ sở để triển khai thực hiện.
Buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Nhóm vấn đề thứ nhất là lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp, cụ thể:
Một là, việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Hai là, thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ba là, thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.
Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Phiên chất vấn lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp được truyền hình trực tiếp từ 8h00 đến 11h30 trên kênh VTV1.
Cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật
Trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã có báo cáo khái quát một số nội dung cơ bản về các nhóm vấn đề chất vấn.
Theo đó, về vấn đề: "Việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ" và "Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội", Bộ Tư pháp cho biết, trong nhiệm kỳ này, Bộ Tư pháp đã có sự chuẩn bị kỹ hơn và đổi mới cách thức trong việc lập đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Bộ đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan triển khai từ sớm việc lập đề nghị của Chính phủ về Chương trình; phối hợp Văn phòng Chính phủ trong việc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung các dự án luật vào Chương trình; chất lượng Đề nghị của Chính phủ đã bám sát và thể hiện rõ nét hơn thứ tự ưu tiên cho các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với sự chuẩn bị của các Bộ, cơ quan ngang bộ, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 32 luật, nghị quyết (22 luật, 10 nghị quyết), không có dự án luật phải rút ra khỏi Chương trình. Các dự án Chính phủ trình, sau khi phối hợp với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đều được thông qua với tỷ lệ cao. Chính phủ đã ban hành 312 nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 87 quyết định quy phạm pháp luật.
"Có thể đánh giá: Kết quả xây dựng, hoàn thiện thể chế thuộc phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà cơ quan tham mưu trực tiếp là các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Tư pháp, đã tiếp tục thể chế hóa một trong ba đột phá chiến lược được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và tại các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Ban Chỉ đạo Trung ương và của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác pháp luật, tư pháp, đã góp phần quan trọng, trước mắt và lâu dài và công cuộc kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực" – báo cáo nêu rõ.
Báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, vẫn còn tình trạng bổ sung và đang có chiều hướng tăng lên các dự án vào Chương trình không theo Chương trình tổng thể hoặc đề nghị sát thời điểm tổ chức kỳ họp, phiên họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; một số dự án chưa được nghiên cứu, tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, tác động của chính sách trong dự án luật nên chưa được bổ sung vào Chương trình; có dự án phải chuyển từ 2 kỳ thành 3 kỳ họp như Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); chất lượng một số dự án luật chưa cao; còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, chưa đồng bộ giữa một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến cách hiểu khác nhau, khó tổ chức thi hành.
Tính đến ngày 30/7/2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ còn nợ 17 văn bản (giảm 11 văn bản so với năm 2020, tăng 9 văn bản so với năm 2021 và tăng 05 văn bản so với năm 2022).
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Bộ Tư pháp kiến nghị tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan của Chính phủ, bảo đảm đúng quy định "chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và tiến độ trình các đề án, dự án, văn bản pháp luật được giao".
Các bộ, ngành thường xuyên, chủ động rà soát, đánh giá các quy định pháp luật, các quan hệ xã hội thuộc lĩnh vực quản lý. Trên cơ sở đó, chủ động lập đề nghị xây dựng và tổ chức soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Chú trọng việc lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các chuyên gia, nhà khoa học; tăng cường truyền thông chính sách, phản biện xã hội đối với các nội dung có tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp.
Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ nâng cao chất lượng thẩm định thông qua việc phát huy cơ chế hoạt động của các hội đồng thẩm định, hội đồng tư vấn thẩm định.
Để tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cơ quan chủ trì lập đề nghị, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần kịp thời báo cáo, xin ý kiến cấp ủy, tổ chức Đảng về những chính sách quan trọng, định hướng lớn; đề cao trách nhiệm người đứng đầu và từng cá nhân, chú trọng tổng kết pháp luật, đánh giá tác động chính sách, lấy ý kiến, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, thẩm định; tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác xây dựng pháp luật.
Rà soát pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định còn vướng mắc, không còn phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tế hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!