TRỰC TIẾP: Quốc hội chất vấn về lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Hôm nay (4/6), Quốc hội bắt đầu tiến hành nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ phát biểu mở đầu phiên chất vấn.

Sau đó, Chủ tịch Quốc hội chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường:

+ Việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia.

+ Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước.

+ Giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh chịu trách nhiệm trả lời chất vấn. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Phiên chất vấn sáng 4/6 của Quốc hội được Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp từ 8h00 đến 11h30 trên kênh VTV1 để cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi.

Cả nước còn hơn 1.000 hồ chứa xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ

Trước phiên chất vấn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Theo báo cáo, hiện nay, trên cả nước có khoảng 40.200 công trình khai thác, sử dụng nước (29.860 công trình khai thác nước mặt: 6.750 hồ thủy lợi, gần 600 hồ thủy điện, 3.659 đập dâng, còn lại là các công trình cống, trạm bơm và các công trình khác; khoảng 10.346 công trình khai thác nước dưới đất).

Tuy nhiên, đối với các hồ đập thuỷ lợi nhỏ, phần lớn do các xã, hợp tác xã, nông trường đầu tư xây dựng từ những năm 1970 đến 1980, trong điều kiện thiếu kinh phí, trình độ kỹ thuật hạn chế nên chất lượng thiết kế, thi công chưa phù hợp, không có hồ sơ thiết kế, thiếu kinh phí bảo trì nên bị hư hỏng, xuống cấp, suy giảm năng lực, hiệu quả phục vụ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Cả nước còn 1.104 hồ chứa bị xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ, chưa có nguồn vốn để đầu tư sửa chữa nâng cấp (157 lớn, 264 vừa và 683 nhỏ). Các hạng mục hư hỏng xuống cấp nặng thường xảy ra tại các hồ chứa thủy lợi, gồm đập đất bị thấm lớn qua thân, nền, vai đập; sạt, trượt mái đập (do sóng, do thấm); có tổ mối trong thân đập; thân cống bị hư hỏng, mục ruỗng; mang cống bị thấm, hư hỏng tiêu năng sau cống, thấm mang; lớp gia cố tràn xả lũ bị bong tróc, nứt vỡ, thấm luồn dưới lớp gia cố, thiếu khả năng xả lũ.

Về khả năng chống lũ, hầu hết các hồ chứa lớn đã được sửa chữa nâng cấp theo Quy chuẩn 04-05:2012/BNNPTNT, tuy nhiên, vẫn còn 65 hồ thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn cũ (trước năm 2002), cần kiểm tra khả năng tháo lũ.

Rủi ro mất an toàn đập, hồ chứa nước cũng gia tăng do mưa lũ diễn biến cực đoan dưới tác động của biến đổi khí hậu, sự suy giảm rừng đầu nguồn, thảm phủ thực vật trên lưu vực hồ chứa đang có chiều hướng gia tăng.

Từ năm 2010 đến nay, cả nước đã xảy ra 75 sự cố vỡ đập, hồ chứa thuỷ lợi và 14 sự cố mất an toàn đập, hồ chứa thuỷ điện. Nguyên nhân sự cố do ảnh hưởng của mưa, lũ dòng chảy về hồ vượt tần suất thiết kế, công trình đầu mối bị hư hỏng, xuống cấp; năng lực của đơn vị quản lý, khai thác chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt nhiều đơn vị quản lý, khai thác đập, hồ chứa thuỷ điện không đủ năng lực; công tác kiểm định an toàn đập hầu hết chưa được thực hiện, kiểm tra đập hồ chứa nước bằng trực quan nên chưa phát hiện được ẩn họa trong đập.

Về tài nguyên nước, báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay, hiệu quả sử dụng nước ở Việt nam chỉ bằng 1/8 trung bình thế giới. Hiệu quả sử dụng nước được đo bằng tỷ lệ giá trị USD tạo ra với khối lượng nước được sử dụng, dựa trên hoạt động kinh tế, nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do Việt Nam chưa có hệ thống công cụ ra quyết định phục vụ xây dựng kịch bản nguồn nước, điều hòa, phân phối tài nguyên nước thống nhất trên lưu vực sông. Việc này dẫn đến điều phối khai thác, sử dụng nước của các ngành, địa phương chưa tối ưu hóa lợi ích kinh tế xã hội. Nguồn nước bị lãng phí, chưa đáp ứng nhu cầu về an ninh nước sạch, lương thực và năng lượng. Tình trạng mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nước gia tăng do lợi ích kinh tế giữa thủy điện, thủy lợi và công nghiệp, sinh hoạt và sản xuất.

Tài nguyên nước đứng trước nguy cơ suy thoái Tài nguyên nước đứng trước nguy cơ suy thoái

VTV.vn - Hàng năm, nhà nước phải bỏ một khoản chi phí lớn để xử lý và ngăn ngừa ô nhiễm, nhưng vì chưa xử lý được tận gốc nên các dự án đầu tư tài nguyên nước chưa đạt hiệu quả.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật

Video nổi bật