Tín dụng chính sách - “Trụ cột” trong hệ thống chính sách giảm nghèo

Chiều 14/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Hội nghị được kết nối trực tuyến với điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố.

Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, đã có hơn 21 triệu hộ được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, qua đó giúp hơn 3,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 4,2 triệu lao động được vay vốn tạo việc làm, hơn 610.000 học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; hơn 193.000 căn nhà được xây dựng cho người nghèo và các đối tượng chính sách.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng đất nước là phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả phát triển trên tinh thần "tất cả cùng phát triển", "không ai bị bỏ lại phía sau".

Tín dụng chính sách - “Trụ cột” trong hệ thống chính sách giảm nghèo - Ảnh 1.

Thủ tướng nêu rõ 6 định hướng lớn thời gian tới để tín dụng chính sách xã hội tiếp tục là “điểm sáng”, “trụ cột” trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội. (Ảnh: VGP)

Với những kết quả đạt được sau một thập kỷ cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc, tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một "điểm sáng" và là một "trụ cột" trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, khẳng định chính sách đúng đắn của Đảng và sự lãnh đạo, điều hành hiệu quả của Nhà nước.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự đóng góp quan trọng của Ngân hàng Chính sách xã hội trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội.

Sau khi chỉ ra một số tồn tại hạn chế và bài học kinh nghiệm rút ra, thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh 6 định hướng lớn, trong đó cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định, nhằm tập trung và tăng cường nguồn lực, cải thiện cơ cấu nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo hướng ổn định, bền vững; hoàn thiện, khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan tới tổ chức, hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Tín dụng chính sách - “Trụ cột” trong hệ thống chính sách giảm nghèo - Ảnh 2.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung ưu tiên nguồn vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm, cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, nhất là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội...

Với phương châm hành động "thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ, nâng cao hiệu quả", Thủ tướng tin tưởng rằng Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ phát huy truyền thống, kết quả đạt được, kinh nghiệm trong triển khai thực hiện, khắc phục những hạn chế, tồn tại, nỗ lực hơn nữa, thực hiện tốt hơn nữa những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, khẳng định được sứ mệnh và trách nhiệm xã hội to lớn của mình.

Trong đó, mở rộng quy mô tín dụng, nâng cao quy mô cho vay, tăng cường đối tượng cho vay, nhất là đối tượng là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, người yếu thế, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị ảnh hưởng bởi thiên tai; tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế, tạo điều kiện cho những người yếu thế phát huy sức mạnh nội sinh, tự tin, tự lực, tự cường, vượt lên khó khăn, thách thức, nghịch cảnh, thoát nghèo, tiến tới làm giàu, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tiến bộ; góp phần thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội rất nhân văn, bao trùm, tổng thể, toàn diện.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật

Video nổi bật