Thực hiện sớm Luật Đất đai sẽ tác động tích cực tới sản xuất, kinh doanh

Chiều nay, Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng.

Các đại biểu cho rằng, việc Quốc hội xem xét đẩy sớm thời gian thực hiện các luật này có tác động tích cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, đồng thời thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ và các bộ, ngành.

"Tôi đánh giá rất cao quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ về việc đề nghị điều chỉnh thời hạn có hiệu lực từ ngày 1.8.2024 đối với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Các TCTD. Việc sớm ban hành Luật Đất đai rất có lợi cho ng sử dụng đất, luật cho phép DN, tổ chức kinh tế có thể nhận chuyển nhượng đất trồng lúa có thể lên đến hàng chục ha đã tháo gỡ nút thắt cho DN, tổ chức kinh tế, hộ gia đình khi đầu tư vào lĩnh vực NN”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước phát biểu ý kiến.

"Thông qua được thì rất là tốt vì các DN BĐS đang gặp rất nhiều khó khăn. Để càng lâu nó càng ảnh hưởng đến nền kinh tế. Nếu 4 luật này được thông qua thì tác động đến tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm rất tốt”, ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương phát biểu ý kiến.

Để đảm bảo điều kiện thực thi luật, các đại biểu đề nghị cần có lộ trình và có hướng dẫn tới các địa phương.

"Tình trạng xây dựng nhà ở không đảm bảo yêu cầu trong đầu tư xây dựng, dẫn đến tình trạng cháy nổ như xảy ra thời gian vừa qua, do đó, việc quy định hiệu lực sớm của Luật Nhà ở sẽ khắc phục được các vấn đề của thực tiễn xảy ra. Nhưng tôi cho rằng việc đáp ứng các yêu cầu mới về đầu tư xây dựng cũng phải có lộ trình”, ông Hà Sỹ Đồng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị phát biểu ý kiến.

"Song song với Chính phủ bộ ngành tham gia là xây dựng các nghị định, các địa phương cũng cần gấp rút về thời gian chuẩn bị ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của địa phương phải ban hành. Vì vậy phải cần có sự hướng dẫn của các bộ ngành và hướng thứ tự ưu tiên xây dựng các nghị định, thông tư của Trung ương khi triển khai tại địa phương”, bà Lý Thị Lan, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang phát biểu ý kiến.

Các đại biểu cũng đề nghị rà soát kỹ các điều kiện, các điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, không chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật và hệ thống pháp luật.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật

Video nổi bật