Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính Hà Nội tới 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng dự hội nghị có lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, ngành GTVT.
Năm 2023, việc triển khai đầu tư hạ tầng giao thông, các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành GTVT năm 2023 là điểm sáng với nhiều dự án mới được phê duyệt, khởi công mới, cũng như hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều tuyến cao tốc, nhà ga hàng không… Trong đó, Bộ GTVT đã thực hiện rất tốt vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.
Năm 2023, cả nước đã hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, trong đó, 9 dự án đường bộ cao tốc dài 475 km, nâng tổng số cao tốc đưa vào khai thác từ đầu nhiệm kỳ đến nay gần 730 km và nâng tổng số cao tốc của cả nước lên gần 1.900 km và đang triển khai thi công gần 1.700 km đường cao tốc kết nối trục Bắc-Nam và Đông-Tây, tạo tiền đề quan trọng để chúng ta có thể đạt và vượt mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra là phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 3.000 km đường cao tốc và đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc.
Ngành GTVT cũng đã đồng loạt khởi công 12 dự án cao tốc Bắc-Nam với tổng chiều dài 723,7 km, 3 cao tốc trục Đông-Tây, 2 đường vành đai TPHCM và Hà Nội, cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang, khởi công một số dự án: Cao Lãnh-Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, Chợ Mới-Bắc Kạn, Hòa Liên-Túy Loan.
Về hàng không, hoàn thành đưa vào khai thác nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không Phú Bài, Điện Biên, xử lý quyết liệt, dứt điểm vướng mắc để khởi công nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành bảo đảm chất lượng, tiến độ yêu cầu.
Về đường sắt, đã cơ bản hoàn thành từng phần và bàn giao đưa vào khai thác sử dụng theo kế hoạch 2 dự án; đã khởi công 3 dự án: Cải tạo nâng cấp đường sắt trên tuyến Hà Nộ-TPHCM (đoạn Hà Nội-Vinh, đoạn Vinh-Nhà Trang) và cải tạo các ga trên các tuyến đường sắt phía Bắc; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội và Bến Thành-Suối Tiên; khẩn trương hoàn thiện đề án đường sắt tốc độ cao, khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có.
Về hàng hải, đường thủy nội địa, đã khởi công 2 dự án: Nâng cấp luồng Cái Mép-Thị Vải và nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, hoàn thành 1 dự án kênh nổi Đáy-Ninh Cơ, đang triển khai thi công dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu, dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo bám sát tiến độ, hoàn thiện các thủ tục để khởi công dự án nâng tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia giai đoạn 1 (khu vực phía Nam)...
Cũng trong năm 2023, Bộ GTVT là cơ quan được giao số vốn đầu tư công lớn nhất từ trước tới nay và lớn nhất trong các bộ, ngành, địa phương với hơn 94.000 tỷ đồng (gấp 1,7 lần năm 2022 và gấp 2,2 lần năm 2021) và gần 20.000 tỷ đồng vốn sự nghiệp kinh tế cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Bộ đã đạt kết quả giải ngân trên 95%, tiếp tục duy trì trong tốp đầu cả nước, qua đó đóng góp một phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế-xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đến nay 5/5 quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực giao thông theo Luật Quy hoạch đã được Bộ GTVT hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; cùng với đó Bộ đã chủ động xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ các quy hoạch chi tiết, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành để phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia. Các quy hoạch trong lĩnh vực giao thông đã được xây dựng, triển khai bài bản, chất lượng là căn cứ để hoàn thiện quy hoạch của các địa phương và của các vùng kinh tế trọng điểm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!