Thủ tướng: Nghiên cứu gói tín dụng mua nhà ở xã hội với lãi thấp hơn 5% vay thương mại

Nhà ở xã hội là nhà ở bình thường như các loại nhà ở khác

Ngày 16/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, việc phát triển nhà ở xã hội so với mục tiêu, yêu cầu, mong muốn chưa đạt được và còn một số tồn tại, khó khăn. Nhiều địa phương chưa có sẵn quỹ đất sạch để làm nhà ở xã hội.

Một số dự án nhà ở xã hội tại một số địa phương có quy hoạch nhưng lại cấp cho các nhà đầu tư còn yếu về năng lực, trong khi có doanh nghiệp lại thiếu động lực triển khai vì hiệu quả không cao dẫn đến chậm triển khai dự án. Mức lợi nhuận quy đinh tối đa chỉ 10% theo Luật Nhà ở năm 2023 với chủ đầu tư nhà ở xã hội không phải là cao nếu mất thêm các chi phí tuân thủ khác.

"Nếu các địa phương không tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ mà đòi hỏi, gây khó dễ, sách nhiễu thì doanh nghiệp cũng mất hào hứng", Thủ tướng Chính phủ nói.

Thủ tướng: Nghiên cứu gói tín dụng mua nhà ở xã hội với lãi thấp hơn 5% vay thương mại - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh nhà ở xã hội là nhà ở bình thường như loại nhà ở khác, phải bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, bảo đảm hạ tầng về y tế, giáo dục...

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh nhà ở xã hội là nhà ở bình thường như loại nhà ở khác, phải bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, bảo đảm hạ tầng về y tế, giáo dục, xã hội và các dịch vụ khác, bảo đảm điện nước, nhưng điểm khác là có cơ chế, chính sách phù hợp cho người mua và người bán.

Đặc biệt, không phải những nơi xa xôi, vắng vẻ, những nơi không làm được nhà ở thương mại thì làm nhà ở xã hội, hay nhà ở xã hội thiếu hạ tầng y tế, giáo dục, điện nước, không bảo đảm vệ sinh môi trường… Nhà ở xã hội ngoài hình thức mua thì phải có thuê và thuê mua.

Nghiên cứu gói tín dụng với thời gian 10-15 năm với lãi suất thấp hơn từ 3-5%

Để phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng quy trình rút gọn các thủ tục hành chính lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án nhà ở xã hội để tiết kiệm thời gian, khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua với thời gian 10-15 năm với lãi suất thấp hơn từ 3-5% so với cho vay thương mại; nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỉ đồng phù hợp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính, NHNN báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện cho vay nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2024 - 2025 theo quy định pháp luật về nhà ở.

Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập Quỹ Nhà ở xã hội, chính sách thuế phù hợp.

Thủ tướng: Nghiên cứu gói tín dụng mua nhà ở xã hội với lãi thấp hơn 5% vay thương mại - Ảnh 2.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu gói tín dụng mua nhà ở xã hội với thời gian 10-15 năm với lãi suất thấp hơn từ 3-5%

Với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đề nghị cấp ủy có nghị quyết để lãnh đạo việc phát triển nhà ở xã hội, HĐND ban hành các chính sách, quy định phù hợp với đặc thù địa phương.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh những vùng đất, vị trí đẹp, có lợi thế phải ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo công ăn việc làm cho người dân, từ đó mới có người đến làm, có người đến là thì mới có người đến ở, mua nhà, từ đó phát triển được bất động sản, khu đô thị bền vững.

Cùng với đó, tổ chức đấu giá, đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực, tài chính, kinh nghiệm, triển khai công khai minh bạch và tăng tỉ lệ ký quỹ, bảo lãnh để bảo đảm lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực tốt.

Đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn các chủ đầu tư khác thực hiện.

Đối với các doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lập tiến độ, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, tài chính, áp dụng công nghệ mới nhằm rút ngắn thời gian thi công.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn. Bộ Xây dựng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các địa phương hoàn thành mục tiêu đề ra.

Năm 2025, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xây dựng kế hoạch, mục tiêu, số lượng cụ thể xây dựng nhà ở xã hội năm 2025 và giai đoạn 2026-2030, gửi Bộ Xây dựng tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11/2024.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật

Video nổi bật