Thái Bình hướng đến là trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng

Ngày 5/3, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 cho lãnh đạo tỉnh.

Dự hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao nỗ lực của Thái Bình trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Tỉnh có nhiều lợi thế phát triển về vị trí địa lý, nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Công tác xây dựng nông thôn mới được đầu tư bài bản, nghiêm túc.

Bên cạnh đó, tỉnh nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp là người con Thái Bình luôn hướng về quê hương. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí, thống nhất cao. Với những tiềm năng, điều kiện thuận lợi đó, Phó Thủ tướng kỳ vọng, tỉnh sẽ bứt phá, phát triển vượt bậc trong thời gian tới.

Để thực hiện thành công Quy hoạch tỉnh, Phó Thủ tướng chia sẻ với địa phương 8 chữ, gồm: tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ và thấu hiểu; trong đó, tuân thủ những định hướng mà Quy hoạch tỉnh đã đề ra cùng với các nhóm giải pháp thực hiện; linh hoạt trong thực hiện, nhất là trong những trường hợp cá biệt cụ thể cần điều chỉnh cho phù hợp; quy hoạch được phê duyệt đồng bộ với hệ thống quy hoạch ở cấp dưới và những kế hoạch, đường hướng, mục tiêu cụ thể…; thấu hiểu là nắm rõ, hiểu rõ về Quy hoạch để có thể tuân thủ thực hiện, linh hoạt và đồng bộ.

Thái Bình hướng đến là trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Đồng thời, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Thái Bình cần định hướng đúng, xác định rõ mục tiêu để đề ra các nhiệm vụ, giải pháp sát, trúng, đúng và đạt được hiệu quả cao nhất.

Tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải khẳng định, Quy hoạch tỉnh được xây dựng công phu, khoa học, có tầm nhìn với quyết tâm, khát vọng to lớn và sự đột phá trên tinh thần kế thừa những thành quả của nhiều nhiệm kỳ, thế hệ cán bộ, đảng viên, thành viên trong hệ thống chính trị, đội ngũ doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã đạt được.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong Quy hoạch, đưa khát vọng phát triển của tỉnh trở thành hiện thực, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình yêu cầu, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tạo đồng thuận và quyết tâm cao.

Cùng đó, các cấp, ngành, địa phương cần phối hợp thực hiện quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả và kiên trì mục tiêu; quan tâm nghiên cứu, đánh giá, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, dự án quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phân bổ nguồn lực hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, qua đó thu hút đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển, tăng quy mô nền kinh tế.

Tỉnh Thái Bình cũng đã trao các quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 9 nhà đầu tư với tổng số vốn trên 10.000 tỷ đồng.

Quy hoạch tỉnh Thái Bình đề ra mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững; phấn đấu đến năm 2030, Thái Bình là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng; đến năm 2050, Thái Bình là tỉnh phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được bảo đảm.

Để hiện thực hóa quan điểm phát triển, Quy hoạch tỉnh đã xác định 4 trụ cột tăng trưởng, 3 khâu đột phá, 4 không gian kinh tế - xã hội, 3 hành lang kinh tế, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và 6 nhiệm vụ trọng tâm.

Quy hoạch tỉnh cũng có nhiều điểm mới, đột phá như: mở ra không gian phát triển mới thông qua hoạt động "lấn biển", Thái Bình phát triển kinh tế hướng biển tạo sự phát triển đột phá ở lĩnh vực cảng biển, năng lượng, dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng, sinh thái biển; mở rộng không gian lấn biển tạo quỹ đất cho các hoạt động chức năng, hình thành không gian công nghiệp - đô thị - dịch vụ đồng bộ, cảnh quan sinh thái ven biển hấp dẫn; xây dựng hệ thống đô thị đồng bộ, hiện đại với thành phố Thái Bình là đô thị hạt nhân của tỉnh và là một trong những đô thị lớn của vùng, "trở thành đô thị xanh, hiện đại, có bản sắc riêng", là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, dịch vụ, thương mại; thành phố cảnh quan hai bên bờ Trà Lý; phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi; phát triển công nghiệp dược - sinh học, sân bay chuyên dụng, đường sắt...

Quy hoạch Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc trung ương Quy hoạch Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc trung ương

VTV.vn - Tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc trung ương, có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, xanh, sạch đẹp, mang bản sắc riêng, xã hội phồn vinh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật

Video nổi bật