Sửa đổi, bổ sung cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan quân đội

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 15 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam số 16/1999/QH10, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Luật số 19/2008/QH12 và khoản 3 Điều 1 Luật số 72/2014/QH13 quy định về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan như sau:

a) Đại tướng, số lượng không quá 3, bao gồm:

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

Tổng Tham mưu trưởng; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

b) Thượng tướng, Đô đốc Hải quân, số lượng không quá 14, bao gồm:

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thượng tướng, Đô đốc Hải quân không quá 6;

Phó Tổng Tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị: Mỗi chức vụ có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thượng tướng không quá 3;

Giám đốc, Chính ủy Học viện Quốc phòng;

c) Các chức vụ, chức danh có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân, Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân; số lượng không quá 398;

d) Các chức vụ, chức danh quy định từ điểm h đến điểm r tại khoản 1 Điều 11 Luật này và các chức vụ, chức danh tương đương có cấp bậc quân hàm cao nhất là cấp tá, cấp úy.

Sĩ quan Quân đội nhân dân biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng hoặc tương đương có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thiếu tướng; sĩ quan Quân đội nhân dân biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng hoặc tương đương có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng; sĩ quan Quân đội nhân dân biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thượng tướng;

Sĩ quan Quân đội nhân dân biệt phái có chức vụ cao hơn quy định tại khoản 2 Điều này và trường hợp đặc biệt được phong, thăng quân hàm cấp tướng do cấp có thẩm quyền quyết định.

Chính phủ quy định cụ thể vị trí có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới, đơn vị được tổ chức lại, bổ sung chức năng, nhiệm vụ nhưng không vượt quá số lượng tối đa vị trí cấp tướng theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tá, cấp úy do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

Về quy định này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày Tờ trình của Chính phủ cho biết, khoản 1 Điều 15 Luật Sĩ quan quy định cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng; hiện nay, một số đơn vị đã có sự điều chỉnh, phát triển về quy mô tổ chức, biên chế, bổ sung chức năng, nhiệm vụ và được điều chỉnh chức vụ, chức danh tương đương Tư lệnh, Chính ủy Binh chủng (cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ Tư lệnh, Chính ủy Binh chủng là Thiếu tướng) theo Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị và Đề án số 573-ĐA/QUTW ngày 16/10/2023 của Quân ủy Trung ương chưa được quy định trong Luật Sĩ quan.

Sửa đổi, bổ sung cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan quân đội - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang

Do đó, cần điều chỉnh, bổ sung, bảo đảm cân đối giữa các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, thể hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của Quân đội là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, tạo động lực cho lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị tiếp tục phấn đấu, hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ.

Theo Đại tướng Phan Văn Giang, khoản 4 Điều 15 Luật Sĩ quan quy định: "Cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định" nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn đặt ra; tuy nhiên, quá trình thực hiện đã nảy sinh vướng mắc, bất cập.

Thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tổ chức QĐND Việt Nam; đặc biệt là Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị về tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo; Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, tổ chức thực hiện điều chỉnh tổ chức Quân đội, theo đó một số đơn vị không thay đổi về tên gọi nhưng có sự điều chỉnh, phát triển về quy mô tổ chức, biên chế và bổ sung chức năng, nhiệm vụ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị đã gặp vướng mắc trong đề nghị cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh sĩ quan là cấp tướng. Do chưa có sự thống nhất cách hiểu để các đơn vị này được xem là đơn vị thành lập mới, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không xem xét, quyết định theo khoản 4 Điều 15 Luật Sĩ quan nêu trên.

Sửa đổi, bổ sung cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan quân đội - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới

Báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, UBQPAN cơ bản nhất trí việc sửa đổi, bổ sung Điều 15 Luật Sĩ quan QĐNDVN theo hướng giao Chính phủ quy định cụ thể vị trí có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới, đơn vị được tổ chức lại, bổ sung chức năng, nhiệm vụ nhưng không vượt quá số lượng tối đa vị trí cấp tướng theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Có ý kiến đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể số lượng cấp bậc quân hàm Trung tướng, Thiếu tướng làm căn cứ giao Chính phủ quy định chi tiết; rà soát vị trí sĩ quan biệt phái có trần quân hàm cấp tướng cho phù hợp với quy định tổng số sĩ quan cấp Tướng tại ngũ trong QĐND không quá 415.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật

Video nổi bật