Quy hoạch Nam Định trở thành động lực phát triển quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng

Ngày 6/3, tại Nhà văn hóa 3/2, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư năm 2024.

Nam Định là tỉnh nằm ở trung tâm vùng nam đồng bằng sông Hồng, có diện tích gần 1.700 km2, dân số khoảng 2 triệu người, với 10 huyện, thành phố và 226 xã, phường, thị trấn. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định đã đoàn kết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư năm 2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh quy hoạch là một bước nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về phát triển vùng đồng bằng sông Hồng. Trong đó, Nam Định sẽ là cực phát triển quan trọng của tiểu vùng Nam Đồng bằng sông Hồng.

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Nam Định cần rút ra các bài học từ kinh nghiệm phát triển của các địa phương trong vùng; tiếp tục đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, tận dụng thời cơ, tìm ra lối đi riêng để Nam Định trở thành địa chỉ đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng trải nghiệm.

Quy hoạch Nam Định trở thành động lực phát triển quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Nam Định năm 2024. Ảnh: Công Luật - TTXVN

Theo Quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Nam Định sẽ trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; là tỉnh phát triển khá của cả nước, một trung tâm phát triển quan trọng của vùng Nam đồng bằng sông Hồng, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 9,5%/năm.

Kinh tế - xã hội của tỉnh được tổ chức phát triển theo mô hình "3 vùng động lực, 4 cực tăng trưởng, 5 hành lang kinh tế" với định hướng phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, kinh tế biển, ven biển.

3 vùng động lực được xác định là: vùng đô thị thành phố Nam Định mở rộng; vùng nông nghiệp - nông thôn và vùng kinh tế biển. 4 cực tăng trưởng là: đô thị trung tâm thành phố Nam Định; trung tâm đô thị Cao Bồ, huyện Ý Yên; trung tâm đô thị Thịnh Long - Rạng Đông; trung tâm đô thị huyện Giao Thủy.

5 hành lang kinh tế là: hành lang quốc lộ 10; hành lang cao tốc Bắc - Nam; hành lang đường bộ ven biển; hành lang đường bộ mới thành phố Nam Định - Lạc Quần - Giao Thủy; hành lang cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Hải Phòng.

Tầm nhìn đến năm 2050, Nam Định trở thành trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng, có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa của vùng.

Tại hội nghị, tỉnh Nam Định đã trao Quyết định chủ trương đầu tư, đăng ký đầu tư cho 7 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 420 triệu USD; ký bản ghi nhớ đầu tư với 9 nhà đầu tư để triển khai thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, trung tâm thương mại, khu du lịch sinh thái.

Quy hoạch Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc trung ương Quy hoạch Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc trung ương

VTV.vn - Tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc trung ương, có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, xanh, sạch đẹp, mang bản sắc riêng, xã hội phồn vinh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật

Video nổi bật