Quốc hội yêu cầu sớm đánh thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ

Chốt giảm 2% thuế VAT đến hết 6/2025

Theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV mới được thông qua, Quốc hội đã đồng ý tiếp tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Quốc hội yêu cầu sớm đánh thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ - Ảnh 1.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Cụ thể, việc giảm 2% VAT sẽ áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%). Quy định này không áp dụng cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo Nghị quyết, thời gian giảm 2% thuế VAT sẽ được kéo dài thêm từ 1/1/2025 đến hết 30/6/2025. Hiện theo Nghị định 72 của Chính phủ, quy định giảm 2% thuế VAT với một số nhóm mặt hàng sẽ hết hiệu lực vào 31/12/2024. Như vậy với Nghị quyết mới được thông qua, việc giảm 2% thuế VAT sẽ được kéo dài thêm 6 tháng.

Cũng trong Nghị quyết, Quốc hội, giao Chính phủ tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm bảo đảm nhiệm vụ thu và khả năng cân đối ngân sách nhà nước năm 2025 đã được Quốc hội quyết định.

Quốc hội cũng giao Chính phủ khẩn trương ban hành Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua kênh thương mại điện tử. Bảo đảm không cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với hàng giá trị nhỏ, làm cơ sở cho cơ quan quản lý thuế có căn cứ pháp lý và chế tài quản lý thu đối với các sàn thương mại điện tử nước ngoài bán hàng hóa vào Việt Nam.

Quốc hội yêu cầu sớm đánh thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ - Ảnh 2.

Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương ban hành Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua kênh thương mại điện tử

Theo số liệu của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính viễn thông, tại thời điểm tháng 3/2023, hằng ngày đang có khoảng 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử. Hằng ngày trung bình có 45-63 triệu USD hàng giá trị nhỏ đã không được thu thuế nhập khẩu và thuế VAT.

Báo cáo về thương mại điện tử 9 tháng đầu năm 2024 của nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric cho thấy, các sản phẩm dưới 200.000 đồng đang chiếm hơn một nửa doanh số toàn thị trường thương mại điện tử Việt Nam; người Việt chi 1 tỉ USD mua hàng online mỗi tháng. Như vậy Việt Nam đang thất thu thuế đối với một lượng lớn hàng hóa nhập khẩu trên các nền tảng thương mại điện tử.

Đồng ý bổ sung hơn 20.000 tỷ đồng vốn cho Vietcombank

Trong Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội cũng chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn góp nhà nước tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với số tiền hơn 20.695 tỷ đồng từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của ngân hàng này.

Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc đầu tư, bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank theo đúng quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và quy mô bổ sung vốn nhà nước cho ngân hàng này.

Ngoài Vietcombank, Quốc hội cũng Thông qua các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 để Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sớm phục hồi và phát triển bền vững.

Quốc hội yêu cầu sớm đánh thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ - Ảnh 4.

Quốc hội đồng ý bổ sung hơn 20.000 tỷ đồng vốn cho Vietcombank

Cụ thể, cho phép Tổng công ty Hàng không Việt Nam chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với quy mô tối đa 22.000 tỷ đồng

Trong đó, giai đoạn 1, cho phép Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước (Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan đại diện phần vốn của cổ đông Nhà nước) theo phương thức chuyển giao quyền mua khi Tổng công ty Hàng không Việt Nam thực hiện phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 01 với quy mô phát hành 9.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 2, Quốc hội chấp thuận về chủ trương, giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện phương án (trong đó, bao gồm phương án nhà nước chuyển giao quyền mua cổ phần cho doanh nghiệp) với quy mô phát hành tối đa 13.000 tỷ đồng. Trường hợp phát sinh vướng mắc thì tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng cho phép Công ty cổ phần Hàng không Pacific Airlines được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tính trên các khoản nợ thuế phát sinh theo quyết định của cơ quan thuế có thẩm quyền, còn nợ đến ngày 31/12/2024.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật

Video nổi bật