Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã ban hành thông báo số 3252/TTKQH-TK về việc triệu tập triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, khai mạc vào thứ Hai, ngày 15/1/2024 và dự kiến bế mạc vào thứ Năm, ngày 18/1/2024. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội.

Đáng chú ý, tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (theo trình tự, thủ tục rút gọn) và Việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Liên quan đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi), tại phiên họp thường kỳ thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 8/1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là dự án luật hết sức quan trọng, có tác động sâu rộng đến mọi mặt kinh tế - xã hội và đến mọi tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp về cả trước mắt và lâu dài.

Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Dự thảo Luật đã được cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã chuẩn bị một cách kỹ lưỡng và công phu. Các cơ quan đã tiến hành xin ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học nhiều vòng, nhiều lần; đã tổ chức lấy ý kiến đông đảo Nhân dân và đã nhận được với trên 12 triệu lượt ý kiến tham gia. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã họp để cho ý kiến 5 lần đối với dự án luật này. Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đã trực tiếp chủ trì các buổi làm việc với các cơ quan của Chính phủ và cơ quan hữu quan.

Dự án Luật được thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách Quốc hội khóa XV cũng đã cho ý kiến xem xét tại 3 kỳ họp. Đến nay, về cơ bản, dự án Luật là luật đã được hoàn thiện và đã thể chế hóa, bao quát được tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW và bám sát tinh thần của Hiến pháp, Cương lĩnh của Đảng và hệ thống pháp luật hiện hành.

Chủ tịch Quốc hội làm rõ, theo dự kiến ban đầu dự án Luật được xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhưng để có thể chuẩn bị một cách kỹ lưỡng hơn, nhất là một số nội dung lớn một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ trình với Quốc hội cân nhắc xem xét để thông qua tại kỳ họp gần nhất.

Về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đây là dự án luật rất quan trọng, có tính chuyên môn cao, tác động sâu rộng đến nhiều đối tượng mà trực tiếp là đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định, kinh tế vĩ mô, an toàn, an ninh hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.

Quốc hội cũng đã cho ý kiến tại 2 kỳ họp; Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội cũng đã cho ý kiến nhiều lần và có nhiều chỉ đạo cụ thể qua nhiều cuộc họp khác nhau. Để bảo đảm dự án Luật được thông qua với chất lượng tốt nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật như Bộ luật Dân sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Quản lý thuế…và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng và ngân hàng trong thời gian tới đây, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung phân tích cho ý kiến để hoàn thiện thêm đối với vấn đề can thiệp sớm và vấn đề kiểm soát đặc biệt. Đồng thời đề nghị rà soát các vấn đề về quản lý tập đoàn tài chính, vấn đề giải quyết vấn đề sở hữu chéo, vấn đề các quy định chuyển tiếp, xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là những nội dung cần được xem xét kỹ lưỡng thận trọng từ nay đến khi khai mạc kỳ họp bất thường để bảo đảm chất lượng trình Quốc hội xem xét thông qua.

Chuẩn bị cho phiên họp bất thường của Quốc hội Chuẩn bị cho phiên họp bất thường của Quốc hội

VTV.vn - Chiều 8/1, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 29.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật

Video nổi bật