Phó Thủ tướng Lê Thành Long, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đã dự hội nghị.
Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 29/12/2023. Mục tiêu đến năm 2030, Quảng Trị đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, có cơ cấu kinh tế cơ bản; là tỉnh công nghiệp dịch vụ.
Tỉnh là một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mekong (GMS), đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao.
Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp - dịch vụ và là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ; quốc phòng, an ninh được bảo đảm, nhân dân có cuộc sống hạnh phúc.
Để triển khai hoàn thành mục tiêu quy hoạch tỉnh, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, Quảng Trị cần khẩn trương triển khai quy hoạch với chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, tiến hành phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan; tổ chức thực hiện bài bản, hiệu quả những nhiệm vụ đã đề ra trong quy hoạch. Tỉnh cần lưu ý 5 bảo đảm trong triển khai quy hoạch: bảo đảm tính tuân thủ của quy hoạch, bảo đảm tính đồng bộ của quy hoạch, bảo đảm tính liên kết của quy hoạch, bảo đảm tính mở rộng của quy hoạch, bảo đảm tính kế thừa của quy hoạch.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị địa phương tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ; đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối, tạo không gian phát triển mới.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: VGP)
Đặc biệt, tỉnh cần đầu tư hoàn thành Cảng Hàng không Quảng Trị và Cảng nước sâu Mỹ Thủy - coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu; phát triển hệ thống đô thị, nghiên cứu mở rộng không gian phát triển Khu Kinh tế Đông Nam, gắn kết với các khu vực thuận lợi phát triển dọc hành lang đường bộ cao tốc Bắc - Nam và dọc quốc lộ 15D; xây dựng Khu kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo thành trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch tổng hợp, hướng tới hình thành Khu kinh tế Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Việt Nam) - Densavan (Lào).
Tỉnh cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh các ngành, lĩnh vực có thế mạnh, tiềm năng trên nền tảng chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, gia tăng giá trị hàm lượng tri thức, khai thác hiệu quả lợi thế so sánh, nhất là kinh tế biển, du lịch, kinh tế tuần hoàn, sáng tạo và thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời quan tâm bảo vệ môi trường, phục hồi sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học, vừa tôn tạo vừa khai thác phát huy các giá trị sinh thái đặc thù; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh trạnh, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; cải thiện và nâng cao các chỉ số như PAPI, PCI...
Trong bối cảnh các tỉnh đều xúc tiến, thu hút mạnh mẽ đầu tư, Quảng Trị cần đặc biệt coi cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lắng nghe, chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; coi trọng và tập trung xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức và năng lực thực tiễn công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu để triển khai thật tốt các nhiệm vụ đã đề ra trong quy hoạch.
Tỉnh cũng cần tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nghề; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với định hướng phát triển của tỉnh và những ngành, nghề mà tỉnh đang ưu tiên. Đặc biệt là phát triển năng lượng điện gió tại vùng ven biển, đảo Cồn Cỏ và các vùng tiềm năng; các cơ sở công nghiệp khí, điện khí tại Khu Kinh tế Đông Nam; xây dựng các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ kết hợp cải thiện hệ thống thủy lợi. Ưu tiên phát triển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, công nghệ cao; chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, thức ăn gia súc, dược liệu, may mặc, da giày.
Bên cạnh đó, tỉnh cần phát triển ngành thương mại, dịch vụ logistic tại các nơi có tiềm năng; hình thành Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới Lao Bảo - Densavan; phát triển cảng Mỹ Thủy trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và thế giới.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Quảng Trị phấn đấu trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn đặc trưng về lịch sử - văn hóa ở khu vực miền Trung; phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, trọng tâm là tam giác du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - Cồn Cỏ và dải đô thị du lịch ven biển.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành Trung ương đẩy mạnh giám sát, phối hợp thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Quảng Trị; sẵn sàng cùng Quảng Trị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành Trung ương liên quan phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Trị đánh giá thực trạng tình hình, rà soát các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp về tiếp cận vốn, đất đai, thủ tục đầu tư...
Đối với các địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Phó Thủ tướng cho rằng, cần "đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, cùng giải quyết các vấn đề mang tính liên tỉnh, của vùng". Sớm nghiên cứu xây dựng các quỹ, cơ chế để hỗ trợ các dự án có tính liên tỉnh, thành phố thuộc vùng...
Dịp này, tỉnh Quảng Trị cũng đã trao Quyết định và chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp, với tổng số vốn trên 21.000 tỷ đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!