Quảng Nam phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Sáng 16/3, tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Khai mạc Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia 2024.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện tư duy đổi mới, quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển đất nước, mục tiêu phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, với tư duy kinh tế xanh, hài hòa với tự nhiên; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm phát triển toàn diện, bền vững.

Theo Phó Thủ tướng, Quảng Nam đang sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế để có thể tiếp tục phát triển bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới, nổi bật là địa phương có khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước; có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ từ đường hàng không, đường biển, đường sắt, đường bộ kết nối vùng thông suốt; có vị trí địa chính trị rất quan trọng, có thể sẽ là một trung tâm kết nối vùng trong tương lai gần.

"Quảng Nam còn được biết đến là địa phương đứng đầu cả nước về số liệt sỹ, số Mẹ Việt Nam Anh hùng, số Anh hùng lực lượng vũ trang và số gia đình chính sách, thể hiện truyền thống bất khuất, anh hùng của Quảng Nam, hay nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đây là sức mạnh tinh thần lớn lao mà Quảng Nam có được và đang đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của mảnh đất này", Phó Thủ tướng phát biểu.

Quảng Nam phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu. (Ảnh: VGP)

Mảnh đất Quảng Nam có nền văn hóa lâu đời, có nhiều di sản văn hóa được thế giới công nhận, nhưng quan trọng hơn, tính cách, sự quyết liệt, dũng cảm, sự cần kiệm, chịu thương chịu khó, chịu học, chăm chỉ làm việc của con người Quảng Nam sẽ tiếp tục là nguồn lực quan trọng để địa phương bứt phá trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường chọn Quảng Nam để khởi động Năm khôi phục đa dạng sinh học quốc gia bởi nơi đây được thiên nhiên ban tặng đa dạng sinh học mà không nhiều địa phương khác có được. Đây là tiềm năng để Quảng Nam phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh của mình là một địa phương phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn giữ được tài sản quý giá của quốc gia và theo xu thế của thế giới là phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.

Phó Thủ tướng cho rằng ngay trong những năm đầu tiên sau khi tách tỉnh, do ý thức được trình độ phát triển của mình, Quảng Nam đã rất "chăm chút, chắt chiu kêu gọi đầu tư, cố gắng tạo môi trường đầu tư thuận lợi và đồng hành cùng với nhà đầu tư để bây giờ ở Quảng Nam đã có những doanh nghiệp hàng đầu của đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển công nghiệp".

Nhận định "Quảng Nam sẽ có sự bứt phá" của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cách đây 20 năm giờ đây đã trở thành sự thật, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Tuy nhiên với những địa phương phát triển nhanh, mạnh và bứt phá, hệ lụy là có thể có những sai sót, khuyết điểm, thậm chí mất cán bộ. Vì vậy Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mong muốn địa phương một mặt khắc phục sớm thiếu sót đó, nhưng mặt khác phải giữ được tư duy mạnh mẽ để Quảng Nam có thể bứt phá trong thời gian tới như kỳ vọng.

Về Quy hoạch và thực hiện Quy hoạch, Phó Thủ tướng yêu cầu trước hết Quảng Nam phải "tuân thủ" bởi giá trị lớn lao nhất của Quy hoạch là định hướng và giải pháp để thực hiện định hướng đó, nếu không, khó đi đến đích như mong muốn.

Bên cạnh đó, Quảng Nam cũng phải "linh hoạt" trong cách làm, thậm chí có thể đối với những mục tiêu không có giá trị cốt lõi, có thể thay đổi hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh bởi lẽ nói chuyện 6 - 7 năm tới, tầm nhìn 26 năm tới chắc chắn là điều không dễ, Phó Thủ tướng nhận định.

Quy hoạch phải được triển khai bằng kế hoạch, phải "đồng bộ" với quy hoạch chung của cả nước, quy hoạch vùng, ngành và một loạt quy hoạch cấp dưới vì nếu không đồng bộ với nhau thì không đủ điều kiện pháp lý để làm bất cứ việc gì.

Phó Thủ tướng lưu ý những người có trách nhiệm phải "thấu hiểu" để triển khai; doanh nghiệp và người dân phải "thấu hiểu" để ủng hộ, đồng hành cùng với chính quyền, cùng với chính quyền phát hiện những điểm chưa đúng, chưa tốt trong Quy hoạch này để kịp thời chỉnh sửa.

Trong khuôn khổ hội nghị, UBND tỉnh Quảng Nam đã trao 16 quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, chứng nhận đăng ký đầu tư và thỏa thuận nghiên cứu địa điểm đầu tư cho các doanh nghiệp, với tổng số vốn hơn 20.000 tỷ đồng. Các dự án chủ yếu tập trung đầu tư vào khu kinh tế mở Chu Lai.

Quảng Nam phấn đấu đến năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Theo Quy hoạch Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Với lĩnh vực kinh tế, Quy hoạch đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt trên 7.500 USD.

Về kết cấu hạ tầng, Quy hoạch xác định đầu tư Cảng hàng không Chu Lai đạt tiêu chuẩn càng hàng không quốc tế với quy mô cấp 4F; cảng biển Quảng Nam đạt tiêu chuẩn loại I tiếp nhận tàu đến 50.000 DWT.

Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các di sản văn hóa thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Quy hoạch cũng chỉ rõ phương hướng phát triển các ngành quan trọng, trong đó về công nghiệp, tỉnh sẽ tăng nhanh tỉ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế; đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất, láp ráp ô tô, sảm phẩm cơ khí, điện tử; hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia.

Đối với ngành thương mại, dịch vụ và du lịch, Quy hoạch xác định phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại giữ vai trò chủ đạo; phát triển Cảng hàng không quốc tế Chu Lai và hệ thống cảng biển Quảng Nam gắn với các khu phi thuế quan, khu công nghiệp.

Tỉnh sẽ xây dựng trung tâm logistics tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang phục vụ hàng hóa từ Thái Lan, Lào vào Việt Nam và ngược lại.

Để đưa Quảng Nam trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế, tỉnh sẽ phát huy tối đa giá trị các di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm…; trọng tâm là phát triển các loại hình du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, thể thao, sự kiện, chăm sóc sức khoẻ.

Với lĩnh vực nông nghiệp, Quảng Nam sẽ chuyển đổi cây trồng vùng khô hạn, nhiễm mặn, các vùng trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi, các vùng chuyên canh rau màu, dược liệu có giá trị cao.

Phát triển nông nghiệp gắn với sản xuất các sản phẩm OCOP, đưa Quảng Nam trở thành địa phương dẫn đầu trong vùng về số lượng, chủng loại, chất lượng sản phẩm OCOP.

2 vùng động lực, 3 hành lang phát triển

Quy hoạch xác định vùng Đông của Quảng Nam là vùng động lực của tỉnh với các ngành kinh tế chủ đạo là kinh tế biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp.

Trong vùng Đông, Tam Kỳ là đô thị trung tâm hành chính, kinh tế, giáo dục, đào tạo, còn Hội An là đô thị sinh thái-văn hoá-du lịch, giao lưu quốc tế và Điện Bàn là đô thị phát triển công nghiệp, khoa học, đổi mới sáng tạo.

Tỉnh sẽ phát triển mạnh thành phố Tam Kỳ trên cơ sở tổ chức sáp nhập hợp lý không gian với huyện Núi Thành, liên kết phát triển với các khu vực xung quanh.

Vùng Tây của Quảng Nam gồm các huyện miền núi là vùng bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên; phát triển nguyên liệu lâm sản và dược liệu quốc gia; kinh tế vườn, trang trại, chăn nuôi; khai thác khoáng sản…

Quy hoạch cũng xác định 3 hành lang phát triển của Quảng Nam, trong đó, hành lang động lực kinh tế ven biển từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến ven biển sẽ tập trung cho công nghiệp sinh thái, công nghiệp công nghệ cao, du lịch xanh gắn với cảng biển và Cảng hàng không Chu Lai.

Hành lang dọc đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh thuộc không gian phía tây của tỉnh sẽ tập trung cho công nghiệp thủy điện, khai thác chế biến khoáng sản, nông, lâm nghiệp, bảo tồn và phát huy văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số; là cửa ngõ giao thương với các tỉnh Tây Nguyên và Thừa Thiên Huế.

Hành lang dọc Quốc lộ 14B và Quốc lộ 14E nối lên Quốc lộ 14D đến cửa khẩu quốc tế Nam Giang là trục giao lưu với vùng kinh tế Tây Nguyên và Nam Lào, Bắc Campuchia.

Quy hoạch Nam Định trở thành động lực phát triển quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng Quy hoạch Nam Định trở thành động lực phát triển quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng

VTV.vn - Nam Định được quy hoạch đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá của cả nước, một trung tâm phát triển quan trọng của vùng Nam đồng bằng sông Hồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật

Video nổi bật