Đóng góp quan trọng, không mệt mỏi của ngành Giao thông vận tải đã mở ra không gian phát triển mới cho đất nước - đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành Giao thông vận tải, diễn ra chiều 30/12, tại Trụ sở Chính phủ.
Huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông
Ghi nhận kết quả ấn tượng ngành Giao thông vận tải đạt được trong năm 2024, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, những kết quả đạt được còn là kết tinh của sự phát triển sau gần 80 năm qua của toàn ngành. Do đó, Hội nghị có ý nghĩa lịch sử trước khi Bộ Giao thông vận tải hợp nhất với Bộ Xây dựng theo chủ trương tinh gọn của Trung ương nhằm xây dựng bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả".
Trong kết quả chung của đất nước năm 2024, có nỗ lực, đóng góp quan trọng, không mệt mỏi của ngành Giao thông vận tải, với vai trò và truyền thống "đi trước mở đường", đã mở ra không gian phát triển mới cho đất nước. Nổi bật, ngành hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật với Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, các văn bản quy định chi tiết; các quy chuẩn, tiêu chuẩn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực Giao thông vận tải từ công tác đầu tư xây dựng, duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đến quản lý vận tải. Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện báo cáo và được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 8 Nghị quyết về Đề án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Bộ cũng đã phối hợp chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội chuẩn bị bài bản, công phu, khoa học để trình Chính phủ cho ý kiến Đề án hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị của 2 thành phố.
"Đây là các đề án rất quan trọng, mang tính chiến lược dài, mở ra không gian, kết nối liên vùng, kết nối các hệ sinh thái kinh tế; đặt nền móng cho các ngành công nghiệp đường sắt; tạo thế và lực để đất nước vươn mình", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Bên cạnh thành tích, kết quả đạt được, Phó Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra các tồn tại, hạn chế như một số dự án trọng điểm còn chậm do tổ chức triển khai, vấn đề mặt bằng, nguồn vật liệu. Việc đầu tư hệ thống giám sát điều hành giao thông, trạm dừng nghỉ chậm đưa vào sử dụng làm giảm hiệu quả khai thác các công trình đã hoàn thành. Kết quả điều hành quản lý, tổ chức giao thông thông minh còn hạn chế, chưa theo kịp với sự phát triển của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật và xu thế chuyển đổi xanh trong giao thông...
Thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp mà Bộ Giao thông vận tải cần tập trung triển khai trong năm 2025, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực hiệu quả theo nguyên tắc một việc chỉ giao một đầu mối chịu trách nhiệm; ban hành các quy trình nội bộ để đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Thời gian qua các quy hoạch liên quan đến hệ thống cảng biển, hàng không, đường sắt, dường bộ, đường thủy đã được phê duyệt. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng "vẫn còn sự chậm trễ về tư duy trong đánh giá đúng tiềm năng, khai thác hiệu quả tổng thể các phương thức giao thông".
"Một đất nước muốn trở thành quốc gia mạnh về biển, bảo đảm an ninh quốc phòng, bên cạnh việc triển khai các hạ tầng kỹ thuật, phát triển đội tàu vận tải biển mạnh, cần có quyết tâm chính trị cao hơn", Phó Thủ tướng nêu ví dụ.
Trao đổi về cơ chế huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông để đáp ứng được yêu cầu phát triển, Phó Thủ tướng cho rằng cần tính toán từng bước nhu cầu phát triển của từng phương thức giao thông để phát triển ngành công nghiệp đi kèm về cơ khí chế tạo, thiết kế, thi công, quản trị, vận hành, khai thác… trên cơ sở tiếp nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ từ các nhà đầu tư nước ngoài cho doanh nghiệp trong nước.
Năm 2025, ngành Giao thông vận tải xác định rõ danh mục dự án đầu tư trọng điểm, tăng cường thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia; tập trung cải cách hành chính, hoàn thiện và tiếp tục phát huy tư duy đổi mới, đặc biệt trong lĩnh vực đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (giữa) dự và chỉ đạo hội nghị.
Khép lại năm 2024 nhiều thành tựu cùng chặng đường gần 80 phát triển rất tự hào, sẵn sàng để bước vào giai đoạn phát triển mới trong tổ chức mới, Phó Thủ tướng tin tưởng, với truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, mối quan hệ gắn bó hữu cơ giữa Bộ Giao thông vận tải và Xây dựng; cơ quan hợp nhất sẽ "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" thực hiện tốt sứ mệnh phát triển hệ thống hạ tầng, đô thị "Đồng bộ - Hiện đại - Xanh thông minh" tạo được tiền đề và động lực cùng nước ta bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Năm 2025 - đột phá về hạ tầng giao thông
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, năm 2024, các mặt công tác của ngành Giao thông vận tải đã hoàn thành kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội đất nước; tạo không khí phấn khởi trong quần chúng nhân dân.
Tiêu biểu, tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải cơ bản được bảo đảm. Nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài được xử lý. Một số dự án có khả năng hoàn thành vượt tiến độ 3-6 tháng; đã khánh thành, đưa vào khai thác 2 dự án thành phần cuối cùng trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1, nâng tổng số km đường bộ cao tốc trên cả nước hơn 2.000km. Bộ Giao thông vận tải tiếp tục là một trong các bộ, ngành, địa phương có mức giải ngân trung bình cao của cả nước. Công tác chuẩn bị đầu tư được bảo đảm, đã khởi công 2 dự án cuối cùng để nối thông đường Hồ Chí Minh từ Bắc đến Nam theo Nghị quyết của Quốc hội.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế có nhiều đột phá, góp phần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai xây dựng, trình các đề án rất quan trọng, mang tính chiến lược dài hạn, có quy mô rất lớn, yêu cầu phức tạp đã được thông qua như chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.
Bộ Giao thông vận tải tham mưu, kiến nghị, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thực hiện kịp thời, khách quan, hiệu quả. Trong đó, nhiều vấn đề nóng, phức tạp liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương như giải phóng mặt bằng, xử lý vướng mắc nguồn cung cấp vật liệu phục vụ các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải được kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án...
Năm 2025, ngành Giao thông vận tải xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, bảo đảm tiến độ và chất lượng xây dựng các dự án Luật, Nghị quyết, Nghị định, Quyết định, Thông tư, đề án theo Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Giao thông vận tải trong năm; đảm bảo hoạt động vận tải thông suốt, an toàn, thuận lợi, phục vụ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp.
So với năm 2024, năm 2025, khối lượng hàng hóa năm 2025 phấn đấu tăng 9%, hành khách tăng 8%; khối lượng luân chuyển hàng hóa tăng 9%, luân chuyển hành khách tăng 10%; khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam dự kiến đạt 900 triệu tấn.
Đồng thời, Ngành phấn đấu: giải ngân trên 95% kế hoạch năm 2025 được cấp có thẩm quyền phân bổ, giao dự toán; khởi công 19 dự án, hoàn thành 50 dự án. Trong đó, hoàn thành các dự án thành phần, nối thông tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và cùng với các địa phương hoàn thành một số dự án đường bộ cao tốc để hoàn thành mục tiêu đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc; hoàn thành, cơ bản nối thông đường Hồ Chí Minh; cơ bản hoàn thành Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!