Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua hôm 28/6 có đề cập nhiều nội dung về phát triển làng nghề. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ chỉ đạo các sở ngành cụ thể hóa thành các chương trình, đề án, kế hoạch để Luật đi vào thực tiễn, thúc đẩy phát triển cho các làng nghề.
Bên cạnh đó, việc thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong các chính sách lớn trong Luật Thủ đô. Đây sẽ là căn cứ để Hà Nội tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.
Trong vòng 10 năm qua, Hà Nội đã tiếp nhận 55 thủ khoa xuất sắc vào làm việc tại các sở, ban ngành, quận, huyện, thị xã và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố.
Tới đây, khi Luật Thủ đô có hiệu lực, sẽ có thêm nhiều điểm mới trong cơ chế thu hút và trọng dụng nhân tài.
Luật Thủ đô được thông qua với những cơ chế, chính sách đặc thù thu hút, trọng dụng nhân tài, là cơ hội lớn để các trí thức, nhà khoa học tham gia, đóng góp cho sự phát triển của thành phố trong tương lai. (Ảnh: VGP)
"Thành phố được quyết định số người làm việc. Người đứng đầu cơ quan đơn vị được ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ ở trong các cơ quan hành chính; được liên thông cán bộ công chức, tức là công chức cấp xã hiện nay từ 1/1 sẽ được liên thông thành công chức cấp huyện trở lên, như là công chức phường hiện nay", ông Trần Đình Cảnh, Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội, cho biết.
Để giữ chân được nguồn nhân tài một cách lâu dài, Luật Thủ đô đã cụ thể hóa về cách thức hỗ trợ, tạo điều kiện để người giỏi chuyên môn có thể chuyên tâm phát triển khả năng theo đúng sở trường.
"Chính sách về thu hút nhân tài trong Luật Thủ đô khá rõ ràng và cũng tạo được sự hấp dẫn cần thiết để chúng ta thu hút được những người có năng lực, những người có tâm huyết về công tác để cống hiến, phát triển Thủ đô", bà Nguyễn Thị Việt Nga, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, nhận định.
"Tôi hy vọng rằng tới đây, chất lượng nguồn lực của Thủ đô, đặc biệt là những người tài, những người giỏi, những người có trình độ cao sẽ về với Thủ đô, sẽ ở lại và xây dựng Thủ đô", PGS. TS. Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, đánh giá.
Hà Nội có hơn 100 trường đại học, cao đẳng, trong đó có nhiều trường đại học lớn hàng đầu. Số lượng giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học chiếm khoảng 65% cả nước.
Đây là lợi thế không địa phương nào có được. Luật Thủ đô được thông qua với những cơ chế, chính sách đặc thù thu hút, trọng dụng nhân tài, là cơ hội lớn để các trí thức, nhà khoa học tham gia, đóng góp cho sự phát triển mạnh mẽ của thành phố trong tương lai.
VTV.vn - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các đại biểu HĐND, các cơ quan UBND tập trung triển khai để Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!