Người chiến sĩ, người thầy thuốc anh hùng Nguyễn Thiện Thành

"Đời tôi còn 1 luận án lớn, đó là sức khỏe của thương bệnh binh, của đồng bào, đồng chí ở miền Nam ruột thịt đang còn chìm trong khói lửa chiến tranh", đó là lời từ chối ở lại Liên Xô làm luận án tiến sĩ của Cố giáo sư Nguyễn Thiện Thành năm 1960. Đó cũng là tâm niệm một đời của người thầy thuốc khoác áo lính.

Tâm niệm ấy đã được lan tỏa và trở thành lẽ sống của những thế hệ tiếp nối, trong niềm kính trọng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ được cảm nhận từ cuộc đời giản dị của đại tá, giáo sư, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thiện Thành.

Đây là lý do tấm ảnh này được chọn làm bìa cuốn sách kỷ niệm 100 năm ngày sinh giáo sư Nguyễn Thiện Thành: "Cuộc đời cụ tôi nghĩ phần cống hiến mãnh liệt nhất, khó khăn nhất là lúc cụ ở trong quân đội và đấy cũng là quãng đời cụ rất tự hào", ông Nguyễn Thiện Nhân, con trai cố Giáo sư Nguyễn Thiện Thành, chia sẻ.

Trở thành thầy thuốc là lựa chọn đầu tiên khi cậu học trò trường Petrus Ký Sài Gòn từ chối đi Pháp, để thi vào khoa Y Đại học Đông dương Hà Nội. Hai tháng sau, Cách mạng tháng 8/1945, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành chính thức trở thành chiến sĩ vệ quốc đoàn, chi đội Nam tiến Vi Dân. Điều khiến giáo sư Nguyễn Thiện Nhân nhớ nhất và khâm phục nhất ở người cha của mình chính là 3 lần từ chối.

Người chiến sĩ, người thầy thuốc anh hùng Nguyễn Thiện Thành - Ảnh 1.

"Thứ nhất là từ chối không sáng Pháp học mà ở lại trong nước, từ chối thứ hai là không làm tiến sĩ tiếp tục mà về đi chiến đấu và từ chối thứ 3 là không làm thứ trưởng mà chỉ làm giám đốc. Đó chính là phẩm chất của quân đội chúng ta mà bác Hồ đã nói: Vì mục tiêu chung, sức mình đến đâu, mình làm tối đa phục vụ chứ không nhất thiết phải có danh hiệu cao hơn", ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ thêm.

Một tấm hình được chụp tại chiến trường miền Nam, khi phó tiến sĩ Nguyễn Thiện Thành và bác sĩ Dương Thị Minh một lần nữa quay về chiến đấu giải phóng quê hương.

"Lúc đó tôi mới học lớp 4, nhưng cảm nhận hình ảnh thiếu cha nhắc nhở mình đất nước còn chiến tranh. Lúc ông bà ở miền Nam không có thông tin gì, không biết cha mẹ còn sống hay không. Đến năm 1970, lúc đó tôi 17 tuổi, chưa đến tuổi đi bộ đội, nhưng mình cùng toàn bộ khóa chúng tôi đều viết đơn xin đi bộ đội", ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Bác sĩ Filatov giành lại sự sống cho bệnh binh sốt rét nặng của chiến trường liên khu miền Tây; người tiên phong đề xuất trồng, điều chế tảo spirulina nâng cao hiệu quả điều trị bệnh trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn sau giải phóng; người đặt nền móng với tầm nhìn xa cho bộ môn tích tuổi học, lão khoa của Việt Nam. Những mốc son trong sự nghiệp thầy thuốc của giáo sư Nguyễn Thiện Thành là động lực để phấn đấu với những hậu bối của ông.

11 năm sau ngày ông đi xa mãi mãi, học bổng mang tên ông vẫn tiếp tục mang đến những cơ hội học tập thành tài cho học sinh, sinh viên Trà Vinh, Cà Mau để mãi mãi, tinh thần, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ vì dân, vì nước sẽ lại tiếp tục được lan tỏa.

Cả cuộc đời, cố giáo sư, tiến sĩ, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, đại tá Nguyễn Thiện Thành đã khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, chinh chiến từ Nam ra Bắc. Hòa bình lập lại, ông là thế hệ lãnh đạo đầu tiên đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của Bệnh viện Thống Nhất ngày nay.

Những di sản mà vị giáo sư đáng kính để lại cho ngành y tế vẫn còn nguyên giá trị với thời gian. Suốt cuộc đời mình, người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ Nguyễn Thiện Thành đã trọn đời vì đất nước, vì nhân dân, vì sự nghiệp cứu người, là tấm gương của biết bao thế hệ bác sĩ sau này.

Phát huy truyền thống “Bộ đội cụ Hồ” trong toàn quân Phát huy truyền thống “Bộ đội cụ Hồ” trong toàn quân

VTV.vn - Trong thời đại mới hiện nay, cán bộ chiến sĩ toàn quân tiếp tục không ngừng phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật

Video nổi bật