Ngày 28/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng ngày 28/11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Sau đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản

Trước đó, ngày 8/11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển dịch vụ đấu giá tài sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Việc xây dựng luật cũng hướng đến tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, chất lượng hoạt động đấu giá tài sản; khắc phục những hạn chế, bất cập, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung 25 điều, khoản; bổ sung 1 Điều mới quy định về: tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, quyền, nghĩa vụ và việc thay đổi đăng ký hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, trong đó có tính đến một số loại tài sản đặc thù, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình tổ chức đấu giá và hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sau hơn 5 năm thi hành Luật.

Ngày 28/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Về Cổng đấu giá tài sản quốc gia, Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc bổ sung quy định thực hiện đấu giá trực tuyến thông qua Cổng Đấu giá tài sản quốc gia và Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản là phù hợp với yêu cầu về chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc quản lý Cổng Đấu giá tài sản quốc gia như trách nhiệm về: bảo mật thông tin trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản bằng hình thức trực tuyến; lưu trữ thông tin phục vụ công tác tra cứu, theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán…; bảo đảm việc vận hành thông suốt và hiệu quả của Cổng Đấu giá tài sản quốc gia…

Đối với quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, Ủy ban Kinh tế nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản tại dự án Luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và bảo đảm sự chặt chẽ, khách quan, minh bạch trong hoạt động đấu giá tài sản.

Bên cạnh đó, đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 2 về thời gian thông báo thay đổi địa điểm trước ngày mở cuộc đấu giá chỉ có 1 ngày làm việc; quy định như vậy sẽ gây bất lợi cho người tham gia đấu giá, nhất là đối với những trường hợp ở cách xa địa điểm đấu giá.

Tại dự thảo Luật cũng khẳng định việc đấu giá thí điểm biển số xe ô tô được tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 73/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô cho đến khi Nghị quyết này hết hiệu lực thi hành hoặc cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về đấu giá biển số xe ô tô. Tại Nghị quyết số 73/2022/QH15 quy định Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2023 và được thực hiện trong 3 năm.

Ngoài các quy định chuyển tiếp trên, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát và bổ sung quy định chuyển tiếp đối với những trường hợp khác nếu thấy cần thiết vì quy định tại dự thảo Luật có thể tác động đến quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật

Video nổi bật