Một Việt Nam năng động, chủ động, trách nhiệm trong khu vực ASEAN

Tối 11/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tại Lào.

Chuyến công tác đã thành công về mọi mặt, tiếp tục khẳng định vai trò chủ động, tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN và các cơ chế hợp tác đa phương, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ sâu rộng, thực chất của Việt Nam với các quốc gia, các đối tác lớn trong khu vực và thế giới.

Một Việt Nam năng động, chủ động, trách nhiệm trong khu vực ASEAN - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ảnh: VGP

Với chủ đề "ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường", các phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị Cấp cao liên quan không chỉ làm sâu sắc hơn nội hàm của "kết nối" và "tự cường" trong bối cảnh hiện nay, mà còn gợi mở tư duy, cách tiếp cận phát triển mới cho khu vực xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn.

Thủ tướng đã chia sẻ 3 định hướng quan trọng cho ASEAN trong thời gian tới. Thứ nhất tự cường và tự chủ chiến lược là nền tảng.

Thứ hai, thúc đẩy kết nối bên trong và kết nối bên ngoài, kết nối công - tư, kết nối đa lĩnh vực, trong đó trọng tâm là kết nối hạ tầng, thể chế và con người là đột phá chiến lược. ASEAN cần thúc đẩy đầu tư cho hạ tầng chất lượng cao, nhất là hạ tầng chiến lược "cứng" và "mềm".

Thứ ba, đổi mới sáng tạo là sức bật và động lực chính cho ASEAN bắt kịp, tiến cùng và vượt lên với khu vực và thế giới. ASEAN cần đẩy mạnh hợp tác phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển các khung hợp tác số, tiêu chí quản trị đối với các công nghệ mới nổi, trong đó có trí tuệ nhân tạo.

Tiến sĩ Kao Kim Hourn, Tổng Thư ký ASEAN cho biết: "Tôi ấn tượng với những phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong phiên họp hẹp. Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN cần tập trung vào việc xây dựng nền kinh tế ASEAN, nhất là cần thúc đẩy kinh tế xanh và kinh tế số. Việt Nam là một trong những quốc gia thành viên ASEAN rất thành công về mặt kinh tế. Tỷ lệ tăng trưởng của Việt Nam khá cao. Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng chúng ta phải tiếp tục tôn trọng luật pháp quốc tế và tuân thủ các nguyên tắc của ASEAN. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng tôi đều đồng ý rằng điều quan trọng là ASEAN phải tiếp tục đoàn kết và giữ vững vai trò trung tâm và sự đoàn kết của ASEAN".

Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: "Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc thì các lãnh đạo cấp cao đã thông qua tuyên bố chung ghi nhận những kết quả quan trọng. Với Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia thì kênh kinh tế cũng đã thống nhất nhiều kết quả cụ thể, trong đó nổi bật là cam kết tiếp tục mở cửa thị trường cho hàng nông sản và thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững".

Tại các Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị ASEAN và các bên đối tác cần "tự cường trước thiên tai và biến đổi khí hậu"; đẩy mạnh hợp tác quản lý thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, tăng cường khả năng chống chịu cho cộng đồng, ưu tiên cao hơn cho hợp tác chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; đặc biệt trong bối cảnh các hiện tượng khí hậu cực đoan vừa qua như bão Yagi ở Đông Nam Á hay bão Helene và Milton ở Hoa Kỳ.

Ông António Guterres, Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh: "Chúng ta chỉ cần nhìn vào những tác động tàn khốc của siêu bão Yagi để thấy rõ các thay đổi khí hậu đang gia tăng mà chúng ta đang đối mặt. Năm sau sẽ là một năm quyết định cho hành động khí hậu. Mỗi quốc gia cần đưa ra một Kế hoạch Hành động Khí hậu Quốc gia mới phù hợp với việc giới hạn sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Các nước G20, những nước phát thải lớn nhất, cần phải đi đầu. Mô hình hợp tác đổi mới là điều quan trọng, tôi hoan nghênh quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng tại Indonesia và Việt Nam".

Các hoạt động, phát biểu của Thủ tướng và Đoàn Việt Nam khẳng định quan điểm của Việt Nam trước các vấn đề khu vực và quốc tế trên tinh thần tôn trọng đồng thuận trong ASEAN, bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, hàng không ở Biển Đông, không để tác động nền kinh tế thế giới, tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982.

Sự tham gia tích cực, chủ động, năng động hiệu quả của Việt Nam đã cùng các nước thành viên và các đối tác của ASEAN xử lý các vấn đề mang tính toàn cầu, các vấn đề của khu vực.

Ông Vilayvanh Phomkhe, nguyên Đại sứ Lào tại Việt Nam cho biết: "Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đóng góp ý kiến, tham gia vào mọi chương trình hội nghị giữa các nước ASEAN với các nước đối tác. Những ý kiến của Thủ tướng Việt Nam vô cùng sâu sắc và hữu ích đối với hội nghị của ASEAN nói chung. Những vấn đề mà Thủ tướng nêu ra đều khiến cho các nước đối tác rất quan tâm".

Một Việt Nam năng động, chủ động, trách nhiệm trong khu vực ASEAN - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước Lào Bounthong Chitmany. Ảnh: TTXVN

Nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc hội kiến với tất cả các lãnh đạo cấp cao của Lào gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước Lào. Các cuộc trao đổi đều hết sức chân tình, thực chất, thể hiện mức gắn bó, tin cậy cao nhất.

Thủ tướng một lần nữa khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt - Lào, coi đây là tài sản vô giá, yêu cầu khách quan, ưu tiên hàng đầu, lựa chọn số một và là yếu tố sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của hai nước, cần gìn giữ cho các thế hệ mai sau.

Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào cảm ơn sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa và sự hỗ trợ vô tư, trong sáng của Việt Nam dành cho Lào và nhất trí, hai bên cần tập trung thực hiện hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là kết quả cuộc gặp giữa hai Bộ Chính trị Việt Nam - Lào gần đây.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc hội kiến, gặp gỡ, tiếp xúc với tất cả lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế, gồm Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Ấn Độ, Thủ tướng Australia, Quốc vương Brunei, Tổng thống Philippines, Thủ tướng các nước: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Canada, New Zealand, Phó Tổng thống Indonesia, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á và Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới.

Thủ tướng cùng các nhà lãnh đạo đã trao đổi sâu rộng, toàn diện, rà soát việc thực hiện các thỏa thuận giữa hai bên, đồng thời trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực truyền thống và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây. Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị Nhật Bản, Hàn Quốc, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á cung cấp các khoản vay ưu đãi, thế hệ mới cho Việt Nam để triển khai các dự án hạ tầng quy mô lớn, mang tính biểu tượng như đường sắt tốc độ cao, đường bộ cao tốc, cảng biển, sân bay.

Ông Bùi Thanh Sơn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết: "Tại các cuộc gặp, lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế đều khẳng định tầm quan trọng của quan hệ với Việt Nam, đánh giá cao vị thế và vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời mở ra các cơ hội đưa hợp tác giữa Việt Nam và các nước ngày càng sâu sắc, hiệu quả và thực chất".

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết thêm: "Một trong những vấn đề mà trong các hoạt động song phương của Thủ tướng mà không phải chỉ chúng ta, mà các nước rất quan tâm, đó là vấn đề già hóa dân số, mà ở đây là hợp tác về lao động. Trong hợp tác lao động, các quốc gia đều quan tâm đến vấn đề di cư tự do và dịch chuyển lao động, đồng thời để giảm bớt những hậu quả đó thì quan trọng nhất là đặt vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao".

Một Việt Nam năng động, chủ động, trách nhiệm trong khu vực ASEAN - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2024. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về Kinh doanh và Đầu tư ASEAN, diễn đàn liên quan đến doanh nghiệp thường niên lớn nhất của khu vực Đông Nam Á, thu hút sự tham dự của hơn 800 lãnh đạo doanh nghiệp lớn của ASEAN và thế giới.

Thủ tướng cũng dự cuộc giao lưu đặc biệt của 3 Thủ tướng Việt Nam - Lào - Campuchia với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN; cùng Thủ tướng Australia dự Lễ kỷ niệm một năm triển khai Chiến lược Kinh tế Đông Nam Á 2040 của Australia.

Nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp, Thủ tướng nêu rõ, "không có đội ngũ doanh nhân giỏi thì nền kinh tế sẽ đình trệ và đất nước sẽ không thể thịnh vượng", doanh nghiệp của khối ASEAN phát triển thì các nước ASEAN phát triển, góp phần mang lại ấm no, hạnh phúc cho người dân.

Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp "5 tiên phong" và "4 cùng" với cộng đồng doanh nghiệp, cho biết Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò kiến tạo phát triển với phương châm "chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh", giảm chi phí tuân thủ, chi phí logistics cho người dân và doanh nghiệp.

Chỉ trong chưa đầy 4 ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên đoàn Việt Nam có lịch trình làm việc dày đặc, liên tục với hơn 60 hoạt động song phương và đa phương. Các hoạt động của Đoàn Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao ASEAN được đánh giá cao về sự năng động, chủ động, tích cực và trách nhiệm thông qua cách tiếp cận các vấn đề mang tính "toàn dân, toàn diện, toàn cầu".

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã đánh giá Việt Nam là "ngôi sao của ASEAN", là hình mẫu của hòa bình và phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao tiếng nói và vai trò của các nước đang phát triển, đi đầu trong các nỗ lực thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển bao trùm và bền vững trên toàn cầu, không để ai bị bỏ lại phía sau.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật

Video nổi bật