Làm sao khắc phục những vướng mắc về quản lý tài sản công?

Sáng 6/11, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội bắt đầu tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 2,5 ngày. Các đại biểu Quốc hội đã chất vấn thành viên Chính phủ, trưởng ngành trong thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.

Các đại biểu đề nghị làm rõ nguyên nhân, cách khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và quản lý tài sản công.

Đặt vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội phản ánh về những vướng mắc về quản lý tài sản công, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính, đất đai thì còn chưa đầy đủ, đồng bộ. Một số văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công ban hành vẫn còn bất cập và chậm. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ, với trách nhiệm của cơ quan tham mưu cho Chính phủ thì Bộ trưởng đã có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng chậm ban hành các văn bản liên quan đến quản lý tài sản công?

Trả lời chất vấn đại biểu Dương Minh Ánh về công tác quản lý tài sản công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện đã có Luật Quản lý tài sản không năm 2017. Sau khi luật được ban hành, Chính phủ đã ban hành 20 Nghị định và Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 quyết định, Bộ Tài chính đã ban hành 15 thông tư hướng dẫn tài sản công.

Bộ trưởng khẳng định, lĩnh vực tài sản công liên quan đến tất cả các ngành, các cấp, từ cấp xã lên đến cấp Trung ương nên phạm vi quản lý rất lớn. Việc quản lý tài sản công thể hiện trách nhiệm của người được giao quản lý tài sản công đối với việc phát huy và sử dụng hiệu quả của tài sản công. Thời gian tới, Bộ Tài chính đang đề xuất Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa Luật Quản lý tài sản công.

Làm sao khắc phục những vướng mắc về quản lý tài sản công? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn

Chất vấn Bộ Tài chính, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho biết, thời gian qua, nhiều xã sẽ được chia tách, sáp nhập. Tuy nhiên, việc xử lý nhà đất khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn chậm, nhiều trụ sở hành chính còn bỏ trống trong khi còn nhiều cơ quan đang sử dụng chung nơi làm việc. Đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng, nguyên nhân xảy ra tình trạng này và Bộ trưởng Bộ Tài chính có giải pháp căn cơ nào?

Trả lời chất vấn của đại biểu về quản lý tài sản công, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, đa số tài sản công sau khi sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh, hiện đã xử lý được khoảng 90% tài sản công, còn 10% với gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý.

Giữa tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính đã hướng dẫn và có văn bản đôn đốc đồng thời sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để hướng dẫn thêm, xử lý các tài sản công này, đảm bảo đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.

Một số đại biểu đồng thời bày tỏ băn khoăn đối với việc sử dụng chi thường xuyên để mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản công cũng như vấn đề cung cầu nhà ở xã hội.

Đặt vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng cho biết Luật Ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật chuyên ngành có những quy định về việc sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của bộ máy. Tuy vậy, tại Luật Đầu tư công có nội dung quy định về tính chất của dự án đầu tư công dẫn tới cách hiểu, cho rằng toàn bộ các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, mua sắm tài sản, sửa chữa, nâng cấp… đều phải sử dụng nguồn vốn đầu tư công dẫn tới chồng lấn với các quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Trả lời câu hỏi về Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng vướng mắc cần có sự giải thích luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện chính xác và yên tâm. Hiện còn những vướng mắc trong triển khai thực hiện do chưa hiểu đầy đủ, thống nhất về chi thường xuyên, chi đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về chi thường xuyên, vấn đề không hẳn là do Luật Đầu tư công, mà còn liên quan đến Luật Ngân sách nhà nước. Về việc sửa chữa nâng cấp, hiện nay công tác này vẫn được triển khai bình thường, không có vướng mắc. Về đầu tư mới, phải thực hiện theo quy trình quy định trong Luật Đầu tư công.

Hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội nội dung, với dự án dưới 15 tỷ thì có thể thực hiện dự án từ chi thường xuyên. Vấn đề này sẽ được Quốc hội quyết định.

Tiếp tục điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong thực tiễn cũng như trong quy phạm pháp luật, không có một văn bản nào, một trường hợp nào quy định mức chi thường xuyên và chi đầu tư là căn cứ vào giá trị số tiền, "không phải trên 15 tỷ là đầu tư công và dưới 15 tỷ lại là chi đầu tư thường xuyên. Chúng ta chi lương là hàng trăm nghìn tỷ, chi cho giáo dục đào tạo là hàng trăm nghìn tỷ thì đều là chi thường xuyên".

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đó là tính chất của các khoản chi chứ không phải là giá trị của các khoản chi. Và các cơ quan Quốc hội khẳng định rằng, không có vướng mắc gì trong Luật Đầu tư công và yêu cầu Chính phủ rà soát lại xem có vướng mắc trong Luật Ngân sách nhà nước hay không? Cho đến nay sau khi rà soát, kết luận bước đầu là không có vướng mắc về Luật Ngân sách nhà nước.

Chiều nay, Quốc hội sẽ tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Phiên làm việc được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật

Video nổi bật