Hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân tại các đô thị lớn

Công tác tuần tra, xử lý vi phạm giao thông đạt kết quả cao

Chiều 25/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo và biểu quyết thông qua về mặt nguyên tắc đối với dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.

Trình bày báo cáo Kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới, Phó Trưởng đoàn thường trực cho biết, Đoàn giám sát thấy rằng, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) theo quy định của pháp luật trên các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không dân dụng và hàng hải đã được triển khai tích cực, đồng bộ và đạt được một số kết quả nổi bật.

Hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân tại các đô thị lớn - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát

Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT của lực lượng chức năng đạt kết quả cao, đã tập trung ra quân xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm, qua đó, tình hình TTATGT đã có những chuyển biến tích cực, TNGT được kiềm chế, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông, nếp sống văn hóa, văn minh đô thị của người dân từng bước được nâng cao.

Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ ra một số hạn chế, bất cập. Theo đó, công tác xây dựng VBQPPL, chính sách, chiến lược, quy hoạch giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn nhiều hạn chế; một số quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT ban hành còn chậm so với thời hạn quy định, tính ổn định chưa cao.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT tuy đã được quan tâm thực hiện nhưng có nơi, có lúc chưa thực hiện thường xuyên, liên tục, hiệu quả; nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT của một bộ phận người dân chưa cao.

Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT mặc dù đã được tăng cường, tuy nhiên kết quả kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông chưa vững chắc, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ vẫn còn ở mức cao.

Việc áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông ở một số loại hình, địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu cơ chế chính sách mang tính đột phá để huy động nguồn lực cho đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông; năng lực và hiệu quả khai thác tài sản kết cấu hạ tầng còn ở mức thấp, chưa tương xứng với quy mô khối tài sản được Nhà nước giao; tình trạng lấn chiếm, chiếm dụng hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt diễn ra phổ biến.

Công tác quản lý nhà nước về TTATGT của một số bộ, ngành, địa phương hiệu quả còn thấp, chưa phân định rõ trách nhiệm, chưa chủ động phát hiện và xử lý nghiêm khắc các tập thể, cá nhân vi phạm để răn đe, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong quản lý nhà nước về giao thông.

Từng bước hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân

Trong báo cáo, Đoàn giám sát cũng nêu nhiều giải pháp và kiến nghị. Trong đó, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm TTATGT. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong bảo đảm TTATGT; xác định bảo đảm trật TTATGT là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT; quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào lĩnh vực bảo đảm TTATGT. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT phải được thực hiện thường xuyên, rộng rãi.

Hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân tại các đô thị lớn - Ảnh 2.

Các đại biểu theo dõi Video clip về kết quả giám sát

Tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông; đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, từng bước hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; rà soát, giải quyết các vướng mắc, bất cập liên quan đến bảo đảm trật tự hành lang an toàn giao thông gắn với bảo đảm quyền và lợi ích của người dân có liên quan.

Phát triển phương tiện giao thông đồng bộ với phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu đi lại của người dân; ưu tiên phát triển phương tiện vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn.

Khắc phục cơ bản ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn; thực hiện nghiêm quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông; quan tâm phát triển hệ thống công trình giao thông ngầm, giao thông trên cao. Huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để bảo đảm TTATGT.

Tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ trong công tác bảo đảm TTATGT, đầu tư, xây dựng, chuyển giao hệ thống, phương tiện, thiết bị giám sát phục vụ công tác bảo đảm TTATGT; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân tự nguyện tham gia phối hợp bảo đảm TTATGT phù hợp với quy định pháp luật.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ đủ năng lực, trình độ, đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ được giao; quan tâm đến chế độ, chính sách cho lực lượng thực thi công vụ; bảo đảm đầy đủ về ngân sách, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị công tác; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, giám sát, điều hành giao thông, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT.

Xác định rõ trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, kết quả giám sát cho thấy, việc lựa chọn chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là "trúng" và "đúng" đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra. Đoàn Giám sát làm việc nghiêm túc, đi sâu vào 5 lĩnh vực, gồm: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không dân dụng, hàng hải.

Hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân tại các đô thị lớn - Ảnh 3.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Đánh giá báo cáo được xây dựng công phu, nhiều thông tin, số liệu tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần thể hiện cô đọng, sắc nét; nội dung có trọng tâm, trọng điểm hơn. Trong đó, cần làm rõ công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật an toàn giao thông được triển khai kết quả cụ thể ra sao? Ý thức chấp hành giao thông của người tham gia giao thông chuyển biến như thế nào?; Vấn đề kỷ cương trong thực hiện pháp luật? Đánh giá kỹ lưỡng, đậm nét đối với lĩnh vực giao thông đường bộ;..

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, đánh giá cụ thể những chuyển biến trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ sau khi Quốc hội ban hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Để tăng cường hiệu quả, các cơ quan báo chí thông qua kết quả giám sát, chắt lọc, tiếp tục thông tin tuyên truyền về trật tự, an toàn giao thông nói chung trên cả 5 lĩnh vực và đặc biệt nhấn mạnh về an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, tập trung, chú trọng tuyên truyền về hai luật Quốc hội vừa ban hành là Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, việc lựa chọn chuyên đề giám sát là đúng, dư luận đồng tình ủng hộ và được tiến hành song song với việc tổng kết, trình Quốc hội thông qua 2 luật về lĩnh vực đường bộ và các luật khác có liên quan đến đầu tư, nguồn lực, tài chính, kinh tế.

Hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân tại các đô thị lớn - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận phiên họp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cao Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chủ trương, giải pháp chỉ đạo quyết liệt trong suốt quá trình giám sát và đạt những kết quả rất tích cực trong thời gian vừa qua.

Cơ bản nhất trí với bố cục, nội dung của báo cáo, tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần tập trung làm rõ hơn trên một số lĩnh vực cũng như các kiến nghị phải sát với kết quả của báo cáo. Trong đó, lưu ý: rà soát số liệu đảm bảo đầy đủ, chính xác, xác định rõ trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, các giải pháp kiến nghị đề xuất cần khái quát nhưng cũng phải cụ thể, bám sát thực tiễn, gắn trách nhiệm của từng chủ thể theo quy định của pháp luật và bảo đảm tính khả thi;...

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho biết, tại phiên họp các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành thông qua về nguyên tắc dự thảo Nghị quyết Giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật

Video nổi bật