Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố, bao gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, Chính phủ đề nghị thực hiện sắp xếp, thành lập đối với 6 ĐVHC cấp huyện và 361 ĐVHC cấp xã để hình thành 5 ĐVHC cấp huyện và 200 ĐVHC cấp xã mới của 12 tỉnh, thành phố. Sau sắp xếp, giảm 1 ĐVHC cấp huyện và 161 ĐVHC cấp xã.
Phương án sắp xếp, thành lập ĐVHC cấp huyện, cấp xã của 12 tỉnh, thành phố như sau:
Tỉnh An Giang: Sắp xếp 02ĐVHC cấp xã để hình thành 01 phường mới. Sau sắp xếp giảm 01 ĐVHC cấp xã.
Tỉnh Đồng Tháp: Sắp xếp 04 ĐVHC cấp xã để hình thành 02 ĐVHC cấp xã mới. Sau sắp xếp giảm 02 ĐVHC cấp xã.
Tỉnh Hà Nam: Thành lập 01 thị xã trên cơ sở nguyên trạng 01 huyện (thị xã Kim Bảng) và sắp xếp 29 ĐVHC cấp xã để hình thành 18 ĐVHC cấp xã mới. Sau sắp xếp, giữ nguyên số lượng ĐVHC cấp huyện, giảm 11 ĐVHC cấp xã.
Thành phố Hà Nội: Sắp xếp 109 ĐVHC cấp xã để hình thành 56 ĐVHC cấp xã mới. Sau sắp xếp giảm 53 ĐVHC cấp xã.
Tỉnh Hà Tĩnh: Sắp xếp 04 ĐVHC cấp huyện và 23 ĐVHC cấp xã để hình thành 03 ĐVHC cấp huyện và 16 ĐVHC cấp xã mới. Sau sắp xếp giảm 01 ĐVHC cấp huyện và 07 ĐVHC cấp xã.
Thành phố Hồ Chí Minh: Sắp xếp 80 phường để hình thành 41 phường mới. Sau sắp xếp giảm 39 phường.
Tỉnh Phú Thọ: Sắp xếp 31 ĐVHC cấp xã để hình thành 13 ĐVHC cấp xã mới. Sau sắp xếp giảm 18 ĐVHC cấp xã.
Tỉnh Quảng Ngãi: Sắp xếp 09 ĐVHC cấp xã để hình thành 06 ĐVHC cấp xã mới. Sau sắp xếp giảm 03 ĐVHC cấp xã.
Tỉnh Quảng Trị: Sắp xếp 13 ĐVHC cấp xã để hình thành 07 ĐVHC cấp xã mới. Sau sắp xếp giảm 06 ĐVHC cấp xã.
Tỉnh Sơn La: Thành lập 01 thị xã trên cơ sở nguyên trạng huyện (thị xã Mộc Châu) và sắp xếp 30 ĐVHC cấp xã để hình thành 26 ĐVHC cấp xã mới. Sau sắp xếp giữ nguyên số lượng ĐVHC cấp huyện và giảm 04 ĐVHC cấp xã.
Tỉnh Trà Vinh: Sắp xếp 03 phường để hình thành 01 phường mới. Sau sắp xếp giảm 02 phường.
Tỉnh Vĩnh Phúc: Sắp xếp 28 ĐVHC cấp xã để hình thành 13 ĐVHC cấp xã mới. Sau sắp xếp giảm 15 ĐVHC cấp xã.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Về số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã của 12 tỉnh, thành phố không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù và chưa thực hiện sắp xếp do có các lý do khác có 05 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Trị) đề nghị không thực hiện sắp xếp 08 ĐVHC cấp huyện. Đồng thời, có 10 tỉnh, thành phố (Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ chí Minh, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc) đề nghị không thực hiện sắp xếp 258 ĐVHC cấp xã.
Việc tổ chức, kiện toàn các cơ quan, đơn vị và chức danh lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của 05 ĐVHC cấp huyện và 200 ĐVHC cấp xã mới hình thành sau sắp xếp của 12 tỉnh, thành phố thực hiện theo quy định của Đảng, Điều lệ của tổ chức và của pháp luật hiện hành.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết, sau sắp xếp, số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách tại các ĐVHC, cấp huyện có 136 người dôi dư; cấp xã có 3.342 người dôi dư. Đồng thời, cấp huyện có 09 trụ sở dôi dư; cấp xã có 329 trụ sở dôi dư. UBND 12 tỉnh, thành phố đã xây dựng phương án chi tiết để bố trí, sắp xếp và giải quyết đối với số cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư; giải quyết trụ sở, tài sản công dôi dư theo đúng quy định.
Nêu quan điểm thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật (UBPL) cơ bản tán thành với các Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của 12 tỉnh, thành phố. Các Đề án được Chính phủ chuẩn bị nghiêm túc, công phu, cơ bản bảo đảm chất lượng, đầy đủ thành phần hồ sơ, tài liệu và nội dung theo quy định. "Về cơ bản, các ĐVHC thuộc diện phải sắp xếp đều được Chính phủ, chính quyền địa phương cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng để xây dựng phương án sắp xếp hoặc có giải trình cụ thể, qua đó đã đề xuất thực hiện sắp xếp đối với một số lượng lớn các ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025 (225/483=46,58%), kết hợp với việc sắp xếp, điều chỉnh địa giới các ĐVHC khác trên địa bàn để đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Về việc đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn của ĐVHC hình thành sau sắp xếp, UBPL cho rằng, việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã tại 12 tỉnh, thành phố cơ bản phù hợp với các quy hoạch có liên quan. Các ĐVHC cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp cơ bản đều bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn của loại ĐVHC tương ứng hoặc đáp ứng yêu cầu của việc sắp xếp theo quy định tại các Nghị quyết, kết luận của UBTVQH.
Tuy nhiên, trong số 200 ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp ở 12 tỉnh, thành phố, có 111 đơn vị đáp ứng tiêu chuẩn và điều kiện của công tác sắp xếp ĐVHC, có 89 đơn vị thuộc 07 tỉnh, thành phố chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số theo quy định (đại đa số là chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên). Trong đó, nhiều nhất là thành phố Hà Nội (42 đơn vị), Thành phố Hồ Chí Minh (31 đơn vị), tỉnh Vĩnh Phúc (8 đơn vị). Chính phủ đã có Báo cáo giải trình, tiếp thu gửi UBTVQH, trong đó nêu rõ lý do không thể tiếp tục sắp xếp đối với các ĐVHC này và đề nghị được áp dụng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 của Nghị quyết số 35, coi đây là "các trường hợp khác" để trình UBTVQH xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể.
Căn quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 của Nghị quyết số 35, hồ sơ Đề án và Báo cáo giải trình, tiếp thu của Chính phủ, UBPL đề nghị UBTVQH cho phép thực hiện việc sắp xếp đối với 89 ĐVHC này như phương án Chính phủ đã trình theo thẩm quyền. Đồng thời, đề nghị Chính phủ, chính quyền các tỉnh, thành phố rút kinh nghiệm trong việc xây dựng và phê duyệt phương án tổng thể về sắp xếp ĐVHC của địa phương để thực hiện tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo, bảo đảm mục tiêu và yêu cầu của công tác sắp xếp ĐVHC.
Về dự thảo các Nghị quyết, UBPL đề nghị chỉnh lý cách thể hiện, chuẩn hóa thông tin, số liệu liên quan trong dự thảo Nghị quyết để bảo đảm chính xác và thống nhất. Đồng thời, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ và chính quyền địa phương, đề nghị xác định thời điểm có hiệu lực thi hành của các Nghị quyết là từ ngày 01/01/2025, riêng đối với Nghị quyết của tỉnh Sơn La là từ ngày 01/02/2025 để tạo điều kiện cho địa phương trong công tác chuẩn bị, kiện toàn tổ chức bộ máy, thay đổi con dấu và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của ĐVHC hình thành sau sắp xếp...
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tán thành thông qua các dự thảo Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố; các Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, riêng đối với Nghị quyết của tỉnh Sơn La có hiệu lực từ ngày 1/2/2025.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!