Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Khai thác không gian ngầm để xây dựng hệ thống đường sắt đô thị

Sáng 26/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Hội nghị chuyên trách lần thứ 5 dự kiến tổ chức trong 2,5 ngày, các đại biểu sẽ cho ý kiến đối với 8 dự án luật, bao gồm: Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Khai thác không gian ngầm để xây dựng hệ thống đường sắt đô thị - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị

Phân định rõ phạm vi không gian ngầm được phép sử dụng

Báo cáo về một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) Hoàng Thanh Tùng cho biết, về quản lý không gian ngầm (Điều 19), dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định để phân định rõ phạm vi không gian ngầm được phép sử dụng của người có quyền sử dụng đất, phạm vi không gian ngầm thuộc quyền quản lý, khai thác của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý có hiệu quả, khai thác giá trị gia tăng từ đất đối với phần không gian ngầm ở các đô thị lớn, đặc biệt là nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội theo chủ trương, yêu cầu tại các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị.

Tiếp thu ý kiến của UBTVQH, dự thảo Luật quy định không gian ngầm phải được phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng; người sử dụng đất thuộc địa bàn thành phố Hà Nội được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến mức giới hạn độ sâu do Chính phủ quy định (khoản 2 Điều 19). Ngoài giới hạn độ sâu này, người sử dụng đất vẫn được sử dụng nếu phù hợp quy hoạch và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép (thủ tục cấp phép sẽ được nghiên cứu để đơn giản hóa thủ tục hành chính theo quy trình một cửa, một cửa liên thông); trong một số trường hợp phải trả tiền sử dụng không gian ngầm theo quy định của Chính phủ (chủ yếu tập trung vào công trình ngầm được khai thác, sử dụng cho mục đích kinh doanh) (khoản 2 Điều 19).

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Khai thác không gian ngầm để xây dựng hệ thống đường sắt đô thị - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Do đây là nội dung mới, chưa có tiền lệ nên việc giao Chính phủ quy định mức giới hạn độ sâu mà người sử dụng đất được sử dụng sẽ tạo sự linh hoạt, chủ động khi ban hành, bảo đảm phù hợp với đặc điểm địa chất và tiềm năng khai thác, sử dụng không gian ngầm của từng khu vực. Để tăng tính thuyết phục, UBTVQH cũng đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung đánh giá tác động về nội dung này trước khi trình Quốc hội thông qua.

Trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể ngay trong Luật về giới hạn độ sâu trong lòng đất mà người sử dụng đất bề mặt được quyền sử dụng (có thể là 15 mét) để xác định rõ giới hạn sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất, minh bạch hóa quyền và trách nhiệm của người sử dụng đất.

Bảo đảm các quy định phát huy đầy đủ giá trị và hiệu lực trong thực tiễn

Về nguyên tắc áp dụng pháp luật (Điều 4), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, theo dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ đề xuất quy định trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với Luật Thủ đô về cùng một vấn đề mà cần được áp dụng đối với thành phố Hà Nội thì phải xác định rõ ngay trong luật, nghị quyết đó.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến ĐBQH tán thành nhưng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn nguyên tắc áp dụng Luật Thủ đô để bảo đảm các quy định của Luật phát huy đầy đủ giá trị và hiệu lực trong thực tiễn, phù hợp với yêu cầu đặc thù là đạo luật quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội và phân quyền mạnh cho chính quyền thành phố Hà Nội.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung cơ chế giao UBTVQH quyết định việc áp dụng pháp luật trong các trường hợp này theo đề nghị của Chính phủ để bảo đảm tính linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển và cũng phù hợp với thẩm quyền giải thích luật của UBTVQH (khoản 2 Điều 4). Đồng thời, trong trường hợp có sự khác nhau giữa văn bản quy định chi tiết hoặc văn bản để thực hiện thẩm quyền do Luật Thủ đô giao với văn bản của các cơ quan nhà nước khác thì thực hiện theo văn bản quy định chi tiết Luật Thủ đô, văn bản thực hiện thẩm quyền do Luật Thủ đô giao (khoản 3 Điều 4).

Về tổ chức chính quyền đô thị (Chương II), trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, Thường trực UBPL và các cơ quan đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý các quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND thành phố Hà Nội, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố và UBND phường. Nội dung tiếp thu, chỉnh lý các quy định về tổ chức bộ máy thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội, giúp chính quyền Thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều chính sách đặc thù, vượt trội

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng đối với 8 dự án luật được thảo luận và đối với việc hoàn thành nhiệm vụ lập pháp của kỳ họp nói chung, do đó, mong muốn các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm để hoàn thiện các dự thảo luật đạt chất lượng tốt nhất.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục xem xét cơ sở chính trị của các dự thảo Luật; tránh tình trạng khi đến giai đoạn trình thông qua lại quá chú trọng đến vấn đề kỹ thuật, biên tập. Do đó, trước tiên, cần xem xét đến nay đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa một cách nghiêm túc, sát với các chủ trương của Đảng đối với từng vấn đề hay không.

Đối với dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho biết dự án luật có cơ sở chính trị là Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chủ trương chung của Đảng ta về Thủ đô; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) có Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam…

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) có những chính sách đặc thù, vượt trội khác với quy định của luật hiện hành. Để giải quyết vấn đề có những quy định khác với hiện hành thì cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã đề xuất và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình để quy định tại điều khoản về áp dụng pháp luật. Đây là việc khó, khá phức tạp để khi ban hành bảo đảm được tính khả thi, không làm chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật

Video nổi bật