Đề nghị mở rộng đối tượng thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia

Sáng nay (17/6), tiếp tục đợt 2 của kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, tiểu dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, nhiều ý kiến nhất trí với sự cần thiết của việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, đồng thời đề nghị mở rộng các đối tượng thụ hưởng của chương trình.

"Tôi đánh giá cao và hoàn toàn ủng hộ việc mở rộng đối tượng thụ hưởng các chương trình áp dụng cho 4 nhóm, gồm 10 đơn vị sự nghiệp công lập, 101 trường phổ thông dân tộc nội trú thuộc 39 tỉnh không nằm trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 3 trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện", ông Phạm Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, nhận định.

Đề nghị mở rộng đối tượng thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia - Ảnh 1.

Ông Phạm Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: toquoc)

"Hiện nay đa số các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng tương tự như các cơ sở giáo dục có trong nội dung bổ sung nằm tại trung tâm huyện, thành phố không thuộc xã, vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Bổ sung là Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên về danh sách đối tượng thụ hưởng của chương trình cho phù hợp với thực tế", ông Dương Khắc Mai, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, nêu quan điểm.

Từ thực tiễn, nhất là từ các vướng mắc trong triển khai chương trình vừa qua, một số đại biểu kiến nghị tiếp tục phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa cho các địa phương.

"Xem xét điều chỉnh chỉ tiêu, mục tiêu, lộ trình thực hiện các mục tiêu của chương trình theo hướng cho phép địa phương lựa chọn nội dung dự án thành phần có nhu cầu bức xúc, cấp thiết đầu tư để thực hiện đảm bảo lộ trình và phù hợp với vốn được giao nhằm tạo động lực thúc đẩy, tăng hiệu quả chương trình. Ý muốn đề xuất là hãy phân cấp mạnh về cho địa phương để chọn những nội dung phù hợp", bà Lê Thị Thanh Lam, đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, kiến nghị.

Các đại biểu cũng kiến nghị với các xã nông thôn mới tiếp tục hưởng chính sách như với các xã khu vực 2 và 3. Một số đại biểu đề nghị rà soát các nội dung liên quan đến các di tích quốc gia đặc biệt để tránh trùng lặp, chồng lấn với Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Cũng trong sáng nay, thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), các đại biểu tán thành với sự cần thiết xây dựng đường cao tốc này; đồng thời đề nghị rà soát việc tuân thủ các quy hoạch, minh bạch và công khai trong việc thu hồi đất, đền bù hỗ trợ tái định cư, tính toán để đáp ứng nguyên liệu nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án.

Đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cần có trọng tâm, trọng điểm Đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cần có trọng tâm, trọng điểm

VTV.vn - Quốc hội đã thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật

Video nổi bật