Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phù hợp cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phù hợp cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi - Ảnh 1.

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phù hợp cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Thông báo kết luận nêu rõ, công tác dân tộc và chính sách dân tộc là những lĩnh vực rất quan trọng, có đối tượng và phạm vi rộng, có tính chất phức tạp với nhiều yếu tố đặc thù; đồng thời là vấn đề có tính chất chiến lược lâu dài, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Phó Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực và những kết quả đã đạt được của Ủy ban Dân tộc, của các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc thời gian qua. Các bộ, cơ quan và các địa phương đã phối hợp tốt với Ủy ban Dân tộc; thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và mang lại những hiệu ứng tốt đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đến nay, diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có thay đổi rõ rệt; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú; thu nhập được nâng lên; đời sống vật chất và tinh thần không ngừng cải thiện; số hộ nghèo giảm nhanh; văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp từng bước được bảo tồn và phát huy…

Với vai trò chủ trì Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban Dân tộc đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong triển khai thực hiện. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình; một số nhóm mục tiêu đã cơ bản hoàn thành; kết quả giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2024 ước đạt 56% kế hoạch, cao nhất trong 03 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc còn những tồn tại, hạn chế cần được tập trung khắc phục trong giai đoạn tới. Vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo cao; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn thấp kém (nhất là hệ thống giao thông, viễn thông, cấp điện, …); việc tiếp cận các dịch vụ xã hội ở mức thấp nhất so với cả nước… Việc xây dựng, ban hành một số đề án, cơ chế chính sách còn chậm so với kế hoạch đề ra và yêu cầu thực tiễn. Việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi mặc dù đã có cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thực hiện 03 chương trình còn thấp, nhất là vốn sự nghiệp.

Tập trung xây dựng, hoàn thiện chính sách dân tộc

Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về công tác dân tộc và chính sách dân tộc.

Trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách cần quán triệt sâu sắc đặc điểm của vùng dân tộc thiểu số và miền núi; phù hợp với đối tượng thụ hưởng và đối tượng thực hiện (thủ tục phải đơn giản, dễ làm, dễ thực hiện...); bảo đảm tính kịp thời và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Rà soát, đề xuất với cấp có thẩm quyền chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phù hợp cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi (như tiếp tục áp dụng chế độ cử tuyển; quan tâm bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp…).

Khẩn trương thực hiện các đề án, nhiệm vụ về công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong Chương trình công tác năm 2024 và trong Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2025; bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Ủy ban Dân tộc cần chú trọng và có giải pháp cụ thể, khả thi để nâng cao năng lực thực hiện của cả hệ thống quản lý công tác dân tộc và chính sách dân tộc từ trung ương tới địa phương; củng cố đội ngũ cán bộ và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong gian đoạn tới.

Rà soát, xác định rõ những nhiệm vụ, công việc cần tập trung giải quyết theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các công việc trọng tâm, đột phá cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và nguồn lực thực hiện dứt điểm trong năm 2025 và các năm tới.

Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung, quyết liệt hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn thực hiện kịp thời; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn của 03 chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là vốn sự nghiệp.

Để có căn cứ báo cáo cấp có thẩm quyền về chủ trương tiếp tục thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2026 - 2030, Ủy ban Dân tộc và các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm tổ chức tổng kết, đánh giá các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Ủy ban Dân tộc khẩn trương hoàn thành việc tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trong năm 2024 theo đúng thời hạn quy định tại Chương trình công tác năm 2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch cụ thể về tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm hoàn thành việc tổng kết 02 chương trình này trong quý I năm 2025; báo cáo Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về kế hoạch tổng kết trong tháng 11 năm 2024.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật

Video nổi bật