Ngày 4/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Chính phủ quán triệt, triển khai về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Tại Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy lần này cần quán triệt tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ, thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu quả tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần gắn với phát huy trách nhiệm cá nhân của từng thành viên Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành, cá nhân lãnh đạo các cơ quan; gắn với việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, với việc lựa chọn cán bộ đúng, trúng, phát huy trách nhiệm cá nhân của mỗi người với nhiệm vụ được giao, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo với tổ giúp việc của bộ, ngành mình để tổ chức thực hiện tổng kết Nghị quyết 18 và phát huy tinh thần chủ động trong sắp xếp theo lộ trình của Trung ương và hướng dẫn chung. Song song với đó, phải làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận, thống nhất ý chí để cùng hành động, cùng làm, "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Với các đơn vị thực hiện sắp xếp sáp nhập, hợp nhất, cần phối hợp chặt chẽ để xây dựng đề án bảo đảm khoa học, chặt chẽ, tinh gọn, thực hiện đúng mục tiêu, yêu cầu của Ban Chỉ đạo của Chính phủ đã đề ra.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã quán triệt phương án, định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ. Theo đó, sau khi sắp xếp, sáp nhập, tổ chức bộ máy của Chính phủ dự kiến giảm 5 bộ, 4 cơ quan thuộc Chính phủ. Bộ máy của Chính phủ sẽ được tinh gọn dự kiến từ 30 xuống còn 21 đầu mối (giảm 9 đầu mối) gồm: 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ.
Trong đó, với các cơ quan báo chí, thông tấn thuộc Chính phủ, phương án sắp xếp được đưa ra theo đúng định hướng của Trung ương. Cụ thể, kết thúc hoạt động của Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam.
Đài Truyền hình Việt Nam chỉ tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, của Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC... Các cơ quan chủ quản hiện hành của Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC có trách nhiệm tự cơ cấu lại, sắp xếp bộ máy, nhân sự của các đơn vị này.
Chính phủ giao Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng Đề án cơ cấu lại Đài, cơ cấu lại và giảm mạnh tổ chức bên trong hiện có, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ đài truyền hình quốc gia, có các kênh chuyên đề phù hợp.
Chính phủ giao Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam kết thúc hoạt động của Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC và cơ cấu lại, giảm mạnh tổ chức bên trong; tập trung xây dựng Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thông tấn quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam là đài phát thanh quốc gia, tập trung vào báo in, báo điện tử, báo nói (VOV) để thực hiện nhiệm vụ chính trị, được ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên cho các hoạt động.
Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC sẽ kết thúc hoạt động và chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!