Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh nội sinh to lớn của dân tộc, là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn, Đảng ta luôn xác định việc xây dựng phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu để khơi dậy các nguồn lực, sức mạnh to lớn trong nhân dân cho hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước.
Tháng 5/1941, Hội nghị Trung ương 8 khóa I họp ở Khuổi Nậm, Pác Bó, Cao Bằng. Tại hội nghị này, Đảng ta đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các giai cấp, dân tộc, tôn giáo, các giới vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng.
Ngay khi ra đời, Mặt trận Việt Minh đã ra lời kêu gọi: Dịp tốt sắp đến, đồng bào mau đoàn kết lại gia nhập Việt Minh, Đánh đuổi Nhật - Pháp, tiêu trừ Việt gian. Từ đây, Mặt trận Việt Minh trở thành trung tâm đoàn kết toàn dân tộc, đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Đại biểu dự Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt (3 - 7/3/1951) phấn khởi chúc mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh được suy tôn là Chủ tịch Danh dự của Mặt trận Liên Việt. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
"Giai đoạn 1941 đến khi giành chính quyền Cách mạng tháng 8 là hết sức khó khăn. Lực lượng ta mỏng, không có vũ khí, nhưng kẻ thù chúng ta lại lớn mạnh Một trong những những thành công của Chủ tịch Hồ Chí Minh là quy tụ toàn dân tộc trên nền tảng giai cấp công nhân và nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng ta. Nhờ vậy chúng ta đã có sức mạnh đoàn kết vô địch. Nhờ sức mạnh đoàn kết, chúng ta làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng 8/1945", PGS. TS. Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết.
Đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm hàng đầu. Trong các bài nói, bài viết của mình, có trên 1.800 lần Người sử dụng từ đoàn kết, đại đoàn kết.
Riêng trong cuốn "Sửa đổi lối làm việc", có đến 16 lần; hay trong diễn văn kỷ niệm Quốc khánh 2/9/1957 có 19 lần Người nhắc đến vấn đề đoàn kết.
Đặc biệt, khi ra mắt Đảng Lao động Việt Nam tháng 3/1951, Bác nhấn mạnh Mục đích của Đảng là: "Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc".
"Có một lần người viết trên báo là lịch sử nước ta cho biết khi nào chúng ta không đoàn kết thì nước ta suy và mất nước. Khi nào chúng ta đoàn kết thì chúng ta được và chúng ta còn. Người cho rằng, đại đoàn kết là cái gốc của dân tộc", TS. Chu Đức Tính, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, nhận định.
Kế tục tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII và ra mắt cuốn sách về Phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là những định hướng lớn để tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong thời gian tới
"Trong giai đoạn hiện nay, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc càng cần phải được củng cố, phát huy và tăng cường. Tất nhiên bằng hình thức, biện pháp mới để phát huy được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần yêu nước, khát vọng vươn lên của từng người con đất Việt", GS. TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh.
Hiện Việt Nam đang hướng đến mục tiêu đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tinh thần đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta cần tiếp tục được khơi dậy, phát huy.
VTV.vn - Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với con đường đấu tranh giành độc lập, chủ quyền, thống nhất của dân tộc Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!