Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Chủ tịch Liên minh Nghị viện Pháp ngữ

Sáng 21/1, tại thành phố Cần Thơ, trong khuôn khổ Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ và Diễn đàn nghị viện hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Chủ tịch Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF), Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Cameroon Hilarion Etong.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam đánh giá cao vai trò của ông Hilarion Etong trên cương vị Chủ tịch APF, đặc biệt là hướng tới giai đoạn phát triển mới, khi APF ngày càng khẳng định vai trò trong việc thúc đẩy ngoại giao nghị viện, triển khai các chương trình hợp tác liên nghị viện và kế hoạch hành động thực hiện khung chiến lược giai đoạn 2020 - 2030.

Chủ tịch Quốc hội mong ông Hilarion Etong tiếp tục ủng hộ hoạt động của Phân ban Việt Nam trong APF, trong đó có việc xem xét thông qua Tuyên bố Cần Thơ về hợp tác Pháp ngữ trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực, ứng phó với biến đổi khí hậu tại các cơ chế chính thức của APF như một văn kiện chính thức khẳng định ý chí và nguyện vọng của các nghị sĩ Pháp ngữ đóng góp vào tiến trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Chủ tịch APF Hilarion Etong đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của Việt Nam trong việc tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành APF và sáng kiến tổ chức Diễn đàn nghị viện thảo luận về 3 chủ đề hết sức quan trọng đối với sự phát triển của các quốc gia; bày tỏ tin tưởng Tuyên bố Cần Thơ sẽ được thông qua với sự tán thành cao; cho biết sẽ nỗ lực thúc đẩy việc xem xét thông qua Tuyên bố Cần Thơ tại các cơ chế chính thức của APF, ghi dấu mốc quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển của APF.

Tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Việt Nam coi trọng quan hệ truyền thống hữu nghị và hợp tác với Cameroon; đánh giá cao các thành tựu phát triển kinh tế của Cameroon thời gian qua, trở thành nền kinh tế lớn nhất khu vực Trung Phi, đầu tàu của Cộng đồng kinh tế và tiền tệ Trung Phi (CEMAC).

Chủ tịch Quốc hội mong muốn, thời gian tới, hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đưa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đi vào chiều sâu, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp. Hai bên tăng cường trao đổi đoàn, nhất là các đoàn cấp cao; tiếp tục tích cực phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương.

Nhận định hợp tác giữa hai nước về đầu tư, kinh tế, thương mại còn rất khiêm tốn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tăng cường trao đổi, kết nối thông tin thị trường, cơ hội, thế mạnh của mỗi bên, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam sẵn sàng cùng Cameroon tìm kiếm nguồn tài trợ từ bên thứ ba cho các dự án hợp tác phát triển nông nghiệp 3 bên tại Cameroon. Hai bên nhanh chóng nối lại đàm phán các Hiệp định quan trọng như: khuyến khích và bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần... tạo khuôn khổ pháp lý cho hợp tác song phương.

Theo Chủ tịch Quốc hội, hợp tác nghị viện là một kênh quan trọng trong tổng thể quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trên cả bình diện song phương và đa phương. Do đó, thời gian tới, hai bên cần thúc đẩy mối quan hệ này, tăng cường trao đổi đoàn cấp cao giữa lãnh đạo cũng như các cơ quan chuyên môn của hai Quốc hội; đẩy mạnh giao lưu nghị sĩ hai nước, hợp tác giao lưu giữa nghị sĩ trẻ, nữ nghị sĩ...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật

Video nổi bật