Chủ tịch Quốc hội: Tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị

Sáng 31/10, Quốc hội thảo luận tại Tổ đối với dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng và việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên họp tại Tổ 13 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk).

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng và việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương. Trong đó, với việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau 20 năm, Quốc hội mới xem xét việc thành lập một thành phố trực thuộc Trung ương. Đây sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 trong cả nước nếu được Quốc hội thông qua.

Theo tờ trình của Chính phủ, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế là cần thiết, có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội rất quan trọng, vừa hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ vừa thể hiện được ý chí, nguyện vọng và sự đồng thuận cao của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng thời, đây là niềm tự hào của Nhân dân cả nước, là động lực để Thừa Thiên Huế tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa đặc sắc Cố đô để phát triển nhanh, bền vững, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung và cả nước.

Việc xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương thực hiện theo các quan điểm, nguyên tắc: Bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản Cố đô, bản sắc văn hóa Huế để thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương với đặc trưng: Văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh; Khai thác và phát huy toàn diện, hiệu quả tiềm năng, lợi thế của thành phố di sản, đưa Huế phát triển nhanh, bền vững và tạo động lực lan tỏa vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ;…

Theo đó, thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế. Cụ thể, thành phố Huế trực thuộc trung ương có 4.947,11 km2 và 1.236.393 người; có 9 ĐVHC cấp huyện (2 quận, 3 thị xã, 4 huyện); có 133 ĐVHC cấp xã (78 xã, 48 phường, 07 thị trấn); tỷ lệ đô thị hóa 63,02% (779.207 người/1.236.393 người).

Đồng tình với Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng, về phạm vi điều chỉnh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, nghị quyết này chỉ tập trung quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị như điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan khi không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận, ở phường; quyết định cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của Ủy ban nhân dân quận, phường. Những nội dung liên quan khác như cơ chế, chính sách đặc thù khác đối với quy định của luật thì nên thí điểm để đảm bảo điều kiện của cấp thẩm quyền quy định, cũng như là quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi cho việc ban hành thêm nghị quyết đối với Hải Phòng sẽ làm tăng thêm tình trạng có thống nhất hay là thiếu thống nhất trong các tổ chức chính quyền đô thị, mô hình chính quyền đô thị trên cả nước. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Nội vụ, các cái bộ, ngành quan tâm để Hải Phòng tổ chức chính quyền đô thị nhưng không tăng thêm những vấn đề phát sinh như một số địa phương khác đã và đang làm.

Chủ tịch Quốc hội: Tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên thảo luận tổ

Hiện, Quốc hội đã ban hành cơ chế đặc thù cho 10 tỉnh, thành phố trong cả nước, với mô hình chính quyền đô thị cũng đã ban hành cho ba thành phố đó là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và thành phố Đà Nẵng. Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, tổng thể kết quả thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương.

"Tiến tới đề xuất việc sửa đổi, bổ sung đối với Luật tổ chức chính quyền địa phương hoặc là ban hành Luật về tổ chức chính quyền đô thị để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị một cách thống nhất trên phạm vi cả nước. Tôi đề nghị Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp với yêu cầu quản lý và phát triển thành phố theo mô hình chính quyền đô thị để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp gần nhất", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần bổ sung quy định chuyển tiếp theo hướng cán bộ, công chức cấp xã được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành. Đồng thời tiếp tục rà soát các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố và nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân quận, đặc biệt là Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Thủy Nguyên, của thành phố Hải Phòng. Đối với Trưởng Công an quận, Trưởng Công an phường là sĩ quan Công an nhân dân, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự là sĩ quan quân đội kiêm nhiệm chức danh công chức thuộc Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường thì phải xem xét tính hiệu quả như thế nào, có phù hợp hay không.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh cần phải tổ chức tổng kết những nơi thí điểm thực hiện chính quyền đô thị, cơ chế đặc thù để xem xét những kinh nghiệm hay, những việc chưa được để tạo ra sự minh bạch, công bằng trong cả nước, trên tinh thần Quốc hội quyết những vấn đề chung cho cả nước để thực hiện.

Theo tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, TP Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương, trọng điểm phát triển kinh tế (đặc biệt là kinh tế biển) của khu vực Bắc Bộ và cả nước; trung tâm giáo dục, y tế và khoa học công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ, là đầu mối giao thông quan trọng, kết nối các tuyến giao thông hàng hải quốc tế; nằm trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Xác định vai trò, vị thế quan trọng của thành phố Hải Phòng, ngày 24/01/2019 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 "Xây dựng chính quyền đô thị với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"; đến năm 2030 "Cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt. Chính quyền đô thị được xây dựng và hoàn thiện phù hợp với yêu cầu của thành phố thông minh".

Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết, Thành phố đã đạt được những thành tựu và kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của việc quản lý một đô thị lớn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố trong giai đoạn mới, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tại địa bàn đang phát triển năng động. Thực tiễn đó đã đặt ra yêu cầu cần tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, công khai, minh bạch trong quản lý và phục vụ Nhân dân tốt hơn của chính quyền các cấp của Thành phố. Vì vậy, việc xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng là cần thiết.

Dự thảo Nghị quyết có 10 điều với các nội dung cơ bản: Về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng; Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương khi tổ chức chính quyền đô thị; Về cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND; Về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, UBND cấp huyện, đơn vị sự nghiệp công lập; Về cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã, thị trấn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật

Video nổi bật