Cần ưu tiên tập trung cho dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Chiều 14/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét dự thảo Nghị quyết Chương trình công tác năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, theo dự thảo Nghị quyết, trong năm 2024, UBTVQH dự kiến tổ chức 12 phiên họp thường kỳ (từ phiên họp thứ 29 đến phiên họp thứ 40) và 2 phiên họp chuyên đề pháp luật (tháng 4 và tháng 8), xem xét, cho ý kiến, quyết định 115 nội dung tại phiên họp và cho ý kiến bằng văn bản đối với một số nội dung khác (chưa bao gồm các nội dung dự phòng xem xét trong trường hợp được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024).

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến đề xuất của các cơ quan, hiện nay có 12 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh, 1 dự thảo nghị quyết của Quốc hội chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024 nhưng được đề xuất đưa vào Chương trình công tác của UBTVQH năm 2024.

Cần ưu tiên tập trung cho dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) - Ảnh 1.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình tóm tắt về dự thảo Nghị quyết Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Chương trình công tác của UBTVQH năm 2023 hết sức tích cực, nỗ lực tối đa, đáp ứng các yêu cầu cấp thiết và trước mắt tại các kỳ họp thường kỳ và 4 kỳ họp bất thường.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc điều chỉnh chương trình quá nhiều. Do đó, Các Ủy ban của Quốc hội cần rút kinh nghiệm trong việc phối hợp với cơ quan của Chính phủ. Trong năm 2024, chương trình công tác cần siết lại kỷ luật, kỷ cương, truy cứu trách nhiệm cá nhân, tổ chức làm chậm trễ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cần rà soát, xem xét nội dung nào chắc chắn thì đưa vào chương trình, nội dung nào không đưa.

Về phiên họp tháng 1/2024, Chủ tịch Quốc hội cho biết, chỉ ưu tiên tập trung các nội dung liên quan đến Kỳ họp bất thường như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), các nội dung khác thì lùi lại sang tháng 2/2024. Trong trường hợp không thống nhất giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo dự án Luật thì cũng không thông qua ở Kỳ họp bất thường.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, phiên họp tháng 1 của UBTVQH cần tổ chức sớm và tập trung cho Kỳ họp bất thường.

Cần ưu tiên tập trung cho dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Về chương trình công tác năm 2024, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá, các phiên họp có rất nhiều nội dung, ngoài ra còn có các nội dung phát sinh trong khi thời gian lại ngắn. Do đó, cần tăng thời gian cho các phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho biết thêm, UBTVQH dự kiến xem xét 56 Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính liên quan đến 56 tỉnh thành nên cần sắp xếp thời gian vào quý 3 và quý 4/2024.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, dự kiến chương trình đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, trách nhiệm. Các nội dung được bố trí trong từng phiên họp đều thuộc thẩm quyền xem xét, cho ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đều là các nội dung cụ thể hóa từ các văn bản quan trọng, có tính chất định hướng trong thời gian tới, thực hiện theo các quy định của các luật, nghị quyết có liên quan.

Cần ưu tiên tập trung cho dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận nội dung thảo luận

Tuy nhiên, cần lưu ý những vấn đề cơ bản như tính toán, sắp xếp, bố trí nội dung, thời gian hợp lý của từng phiên họp, nhất là phục vụ cho những nhiệm vụ phải mất nhiều thời gian như cho ý kiến sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, vấn đề xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và kỳ họp bất thường (nếu có).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, các ý kiến đều thể hiện sự nhất trí cao việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện Chương trình, nhất là phải quán triệt tinh thần siết chặt lại kỷ luật, kỷ cương, yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về gửi tài liệu tại phiên họp, trong đó cần chú trọng về công tác chuẩn bị hồ sơ, tài liệu đạt chất lượng, đúng tiến độ góp phần nâng cao chất lượng phiên họp, kỳ họp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tiếp tục tổ chức các cuộc họp với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đơn vị có liên quan để rà soát kỹ lưỡng, nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi trình Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến.

Về việc thực hiện chương trình công tác của UBTVQH năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tính đến tháng 12/2023, UBTVQH đã chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức thành công 2 kỳ họp thường lệ và 3 kỳ họp bất thường của Quốc hội; đã tiến hành 16 phiên họp, trong đó có 10 phiên họp thường kỳ, 1 phiên họp chuyên đề pháp luật, 2 phiên họp giữa 2 đợt của Kỳ họp và 3 phiên họp khác; xem xét 181 nội dung (bao gồm 168 nội dung xem xét tại phiên họp, 13 nội dung xem xét, cho ý kiến bằng văn bản), trong đó, có 85 nội dung được bổ sung mới so với dự kiến ban đầu.

Bên cạnh đó, UBTVQH đã tổ chức 2 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và nhiều hội nghị quan trọng khác; đã ban hành 1 pháp lệnh, 547 nghị quyết (trong đó có 10 nghị quyết quy phạm pháp luật, 10 nghị quyết về giám sát và 527 nghị quyết về các vấn đề quan trọng, bảo đảm điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội và công tác khác thuộc thẩm quyền); thực hiện toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ về lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng, công tác đối ngoại và các công tác khác theo thẩm quyền.

Về bất cập hạn chế trong triển khai thực hiện Chương trình, đến tháng 12/2023, vẫn còn 11 nội dung đã có trong Chương trình công tác năm 2023, nhưng chưa được xem xét, phải chuyển sang năm 2024. Trong quá trình tổ chức triển khai nhiệm vụ cụ thể còn một số nội dung chưa bảo đảm thời hạn trình UBTVQH xem xét, phải lùi so với dự kiến. Việc đề nghị điều chỉnh chương trình phiên họp diễn ra khá thường xuyên. Tình trạng chậm gửi tài liệu phục vụ phiên họp của UBTVQH chưa được khắc phục.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật

Video nổi bật