Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch nêu giải pháp ngăn đạo đức xuống cấp

Chiều 30/10, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng cho biết nếu thực hiện được 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đúng sẽ đạt được hiệu quả rất lớn đó là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

"Nếu không có các chương trình về xây dựng nông thôn mới, về giảm nghèo bền vững thì làm sao chúng ta tiếp cận và hoàn thành được mục tiêu thiên niên kỷ theo cam kết với Liên hợp quốc? Làm sao chúng ta có được những miền quê đáng sống và để rồi mọi người dân đi xa cũng muốn về? Làm sao chúng ta thấy được đời sống của nhân dân đang cải thiện?", Bộ trưởng bày tỏ.

Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch nêu giải pháp ngăn đạo đức xuống cấp - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng giải trình, làm rõ một số vấn đề về việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Nếu tiếp cận ở góc độ văn hoá, tốc độ đô thị hoá nhanh ở nông thôn làm nhiều người cảm thấy hồn quê của người Việt bắt đầu bị đánh mất, hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, hình của luỹ tre xanh, của làng tôi đã không còn nữa, thay vào đó là bê tông hoá.

Theo ông Hùng, vừa qua, rất mừng khi trong quá trình này, chúng ta kịp thời nhận ra nên đã thay thế và điều tiết, và bây giờ các "đường hoa" đã xuất hiện bên cạnh đường bê tông cứng hoá. Bắt đầu có những hàng trúc, hàng cau làm đẹp hơn quang cảnh nông thôn và dần dần lấy lại hình ảnh hồn quê của người Việt.

"Ở góc độ khác, chúng ta đang tiếp cận để xây dựng thiết chế văn hoá, có đại biểu băn khoăn nói rằng tại sao phải xây dựng thiết chế?", Bộ trưởng nói và cho biết, theo quy định hiện hành, chúng ta phải đảm bảo thiết chế cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, thôn.

Ở cấp tỉnh phải đảm bảo 3 thiết chế văn hoá là trung tâm nghệ thuật, bảo tàng và thể thao nhưng rõ ràng đến giờ này, qua báo cáo của các tỉnh, thành phố thì mới chỉ 80% các tỉnh có được các thiết chế cơ bản này, cấp huyện chỉ được 70%, cấp xã chỉ được 60 – 70%, còn cấp thôn bản chỉ đạt 30 – 40 %.

Theo Bộ trưởng, đạo đức xã hội là hình thái ý thức xã hội, nó tập hợp các bộ quy tắc để giúp con người định hướng đến giá trị tốt đẹp nhất đó là trung thực, lòng nhân ái, công bằng tôn trọng lẫn nhau.

Ông Hung nhấn mạnh, chức năng quản lý nhà nước trong vấn đề này cũng đã đầy đủ khi Quốc hội cũng đã ban hành nhiều bộ luật, Chính phủ ban hành các Nghị định, chiến lược về Văn hóa.

"Khi phát triển văn hóa trở thành nhiệm vụ thường trực của mỗi người dân, nền tảng văn hóa được hình thành một cách tự nguyện trong mỗi cộng đồng, từng cấp từng ngành, thì chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng đạo đức xuống cấp", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Văn hoá mới chỉ được quan tâm nhiều ở cái vỏ vật chất bên ngoài?

Trước đó, nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết từ sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2022, chúng ta đang nỗ lực cao nhất tập trung nguồn lực và sự quan tâm để phát triển văn hoá.

Tuy nhiên, đại biểu đoàn Hải Dương cho rằng, dường như văn hoá mới chỉ được quan tâm nhiều ở cái vỏ vật chất bên ngoài như xây dựng các thiết chế văn hóa, hoặc mới chỉ được quan tâm nhiều đến tính chất phong trào (số lượng làng, khu dân cư văn hoá) chứ chưa thực sự có chuyển biến rõ rệt về chất.

Dẫn báo cáo của Chính phủ về kết quả phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật qua từng năm 2021, 2022, 2023, đại biểu thấy rằng tội phạm về trật tự - xã hội đều có xu hướng tăng.

Trong đó những tội phạm thể hiện rõ nhất sự xuống cấp đạo đức, suy đồi văn hóa như hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, giết người… đều tăng. Gần đây vẫn tiếp tục diễn ra các vụ án bạo hành trẻ em dã man, bắt cóc trẻ em, giết người bằng những thủ đoạn tàn độc gây rúng động dư luận.

Bên cạnh đó, các hành vi lệch chuẩn văn hóa của những người có ảnh hưởng, đặc biệt có ảnh hưởng trong giới trẻ chưa bị lên án kịp thời; bạo lực học đường còn phức tạp. Việc cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trở thành mối lo lớn…

"Tất cả những điều đó có liên quan đến văn hóa không? Câu trả lời là có. Là hệ quả của việc văn hóa chưa thực sự được chú trọng đúng mức từ chiều sâu", đại biểu Nga nói.

Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch nêu giải pháp ngăn đạo đức xuống cấp - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)

Làm thế nào để văn hóa được chú trọng để có sự chuyển biến về chất thực sự, đại biểu cho rằng không phải chỉ đơn thuần là việc chúng ta dành bao nhiêu ngân sách cho văn hóa hay giao Bộ VHTTDL làm những việc gì.

Theo đại biểu, chừng nào việc chấn hưng, phát triển văn hóa vẫn được coi là việc của ngành văn hóa thì chừng đó phát triển văn hóa còn khó khăn. Mỗi cá nhân phải coi chính bản thân mình, hành vi, thái độ của mình là một phần tất yếu của văn hóa xã hội, văn hóa cộng đồng để tự điều chỉnh, thì chừng đó mới có sự chuyển biến về chất.

Từ đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục có những giải pháp tích cực, hiệu quả về phát triển văn hóa trong khi chúng ta đã xây dựng được tương đối đầy đủ các thiết chế văn hóa cần thiết, từ cấp Trung ương tới cơ sở.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật

Video nổi bật