Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lý giải nguyên nhân sạt lở, lũ quét ngày càng nhiều

Lập bản đồ vùng sạt lở để quy hoạch, di dời dân

Tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 6/11, đại biểu Phạm Thị Kiều (tỉnh Đắk Nông) cho biết, thời gian qua, thiên tai như sạt lở, lũ quét ở Việt Nam diễn ra với tần suất ngày càng nhiều.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết nguyên nhân và các giải pháp để cảnh báo, dự báo nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do sạt lở và lũ quét gây ra cho cộng đồng và cho người dân.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lý giải nguyên nhân sạt lở, lũ quét ngày càng nhiều - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Thị Kiều (tỉnh Đắk Nông)

Trả lời đại biểu Kiều, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu. Theo đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nền địa chất non trẻ, dễ bị sụt lún. Vùng Tây Nguyên địa chất nhiều lát cắt, khi có mưa lớn gây sạt lở rất nguy hiểm.

Giải pháp của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian tới là tăng cường khả năng cảnh báo về thiên tai. Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Đề án khả năng dự báo và cảnh báo cho các địa phương.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp với các địa phương thực hiện các bản đồ nền, tổng hợp những vùng sạt lở, nguy cơ sạt lở để quy hoạch, di dời dân cư theo dự báo sạt lở, tránh ảnh hưởng đến dân cư và ảnh hưởng đến sự phát triển. Bộ cũng đề xuất dự án về công trình và phi công trình phòng chống sạt lở.

"Vừa qua, Thủ tướng đã đi khảo sát Đồng bằng sông Cửu Long và chỉ đạo trình các dự án kè sông, các dự án ODA. Hiện ĐBSCL có 16 dự án ODA gần 2 tỷ USD. Các chương trình mục tiêu quốc gia cũng gắn với việc phòng chống sạt lở" – Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết.

Bộ trưởng cũng lưu ý vấn đề tại các vùng núi cần phải lựa chọn nơi để phát triển kinh tế xã hội và bố trí dân cư. Một giải pháp phi công trình nữa là trồng cây bản địa như ĐBSCL có cây đước, bần, miền núi có cây tre, nứa…. Đặc biệt không xây dựng các công trình lớn ở nơi có nguy cơ sạt lở cao.

Vì sao chậm trễ trong di dời, bố trí lại dân cư vùng thiên tai?

Đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu Cao Thị Xuân (tỉnh Thanh Hóa) nhấn mạnh: Tại Nghị quyết 134 của Quốc hội có yêu cầu Chính phủ xây dựng, triển khai Đề án tổng thể về sắp xếp, di dời, bố trí lại dân cư vùng có nguy cơ hoặc vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lý giải nguyên nhân sạt lở, lũ quét ngày càng nhiều - Ảnh 2.

Đại biểu Cao Thị Xuân (tỉnh Thanh Hóa)

Tại Quyết định 590 của Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025 bố trí ấn định cho 47.159 hộ vùng thiên tai. Tuy nhiên, giai đoạn 2021- 2022 mới bố trí ổn định được cho hơn 5.000 hộ. So với mục tiêu đề ra của Thủ tướng đến năm 2025 thì cả nước cần bố trí ổn định cho 42.000 hộ vùng có nguy cơ thiên tai. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của sự chậm trễ trên và trách nhiệm thuộc về ai.

Trả lời đại biểu Xuân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, việc di dời người dân đang chậm vì công việc này cần sự phối hợp giữa trung ương với địa phương. Khi các địa phương bố trí các dự án tái định cư, khi được phê duyệt, vì nhiều lý do, không còn quỹ đất, nên phải điều chuyển, di dời, đây là một vấn đề lớn. Cùng với đó, các dự án bố trí tái định cư thường kèm theo điều kiện về đất sản xuất của người dân, việc bố trí đất sản xuất này tương đối khó khăn, kéo lùi tiến độ bố trí dân cư.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lý giải nguyên nhân sạt lở, lũ quét ngày càng nhiều - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nêu trường hợp, các dự án đã bố trí tái định cư cho dân cư rồi, nhưng vẫn không phát huy được hiệu quả, bà con đến ở một thời gian, nhưng do thiếu sinh kế, không phù hợp văn hóa tập quán, bà con vẫn bỏ ra ngoài.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đánh giá lại, thảo luận với các địa phương, trình với Chính phủ để bố trí các khu tái định cư không chỉ đạt hiệu quả về tái định cư, mà còn hình thành được cộng đồng phát triển bền vững, phát triển du lịch trong bối cảnh đất ngày hạn hẹp.

Nhiều vụ án khai thác khoáng sản trái phép liên quan đến cán bộ địa phương

Đại biểu Ma Thị Thúy (tỉnh Tuyên Quang) nêu lên tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra phức tạp nhiều năm qua và đã có nhiều vụ án được phanh phui, điều tra. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian vừa qua, giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung cấp phép, kiểm tra, giám sát việc khai thác khoảng sản và vật liệu xây dựng. Bộ đã phối hợp địa phương để chỉ đạo việc này. Các địa phương có vai trò quan trọng trong kiểm tra, giám sát.

"Khoảng sản trên địa bàn. Khai thác bằng ô tô liên tục chạy. Sau khi các vụ án, vụ việc xảy ra lại liên quan đến cán bộ địa phương" - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói và khẳng định sẽ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vấn đề khai thác khoáng sản trái phép.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật

Video nổi bật