Bố trí vốn phòng, chống sạt lở ĐBSCL phải có trọng tâm, trọng điểm

Tối 5/10, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp với các bộ liên quan về phương án bố trí nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển các địa phương vùng ĐBSCL do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tác động của môi trường.

Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, đây là lần thứ ba Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì họp về nội dung này, nhằm thống nhất danh mục và nguồn vốn bố trí cho các dự án, đảm bảo theo nguyên tắc "xử lý cấp bách".

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến công tác phòng, chống, khắc phục thiên tai nói chung, trong đó có sạt lở bờ sông, bờ biển, mưa lũ…

Đối với khu vực ngoài ĐBSCL, Phó Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành liên quan sớm rà soát, xác định hậu quả của sạt lở bờ sông, bờ biển, lở núi, ảnh hưởng tới giao thông, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sử dụng các nguồn hợp pháp để xử lý, khắc phục hậu quả, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và đảm bảo đời sống người dân.

Đối với khu vực ĐBSCL, Thủ tướng đã chỉ đạo theo góp ý của các cơ quan Quốc hội là phải sử dụng nguồn dự phòng. Trên cơ sở đề xuất của các bộ, vừa qua, Thủ tướng đã đi kiểm tra 8 địa phương và chỉ đạo Bộ NN&PTNT đi kiểm tra 5 địa phương. Việc kịp thời xử lý, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL do ảnh hưởng của thiên tai, đảm bảo toàn tính mạng và tài sản của nhân dân là cần thiết và cấp bách, đã được lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo tại nhiều văn bản.

Bố trí vốn phòng, chống sạt lở ĐBSCL phải có trọng tâm, trọng điểm - Ảnh 1.

QUang cảnh cuộc họp. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ NN&PTNT đã thống nhất về danh mục dự án. Phó Thủ tướng yêu cầu hai Bộ phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan sớm hoàn thiện phương án hỗ trợ, mức vốn hỗ trợ cụ thể cho các dự án, thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đáp ứng quy định về đối tượng, điều kiện sử dụng dự phòng ngân sách trung ương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định khác có liên quan. Việc bố trí vốn phải bảo đảm kịp thời, hiệu quả, tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Đặc biệt lưu ý "đối tượng sử dụng vốn phải phù hợp", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, các dự án phải đáp ứng yêu cầu là dự án cấp bách, đảm bảo quy định là đã sử dụng nguồn dự phòng của địa phương nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, cần có sự hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách địa phương.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý đến tính khả thi của dự án, tránh tình trạng có dự án đã được phê duyệt nhưng không giải phóng được mặt bằng, buộc phải trả lại.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, Thủ tướng giao Bộ chủ trì, phối hợp với các bộ đề xuất các dự án theo hướng bảo đảm tập trung, trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, không dàn trải, manh mún, phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước và các quy định liên quan.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên nguyên tắc đối với 8 địa phương Thủ tướng đã kiểm tra, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, đối với 5 địa phương còn lại, thực hiện tổng hợp từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Do việc chuyển nguồn vốn thực hiện dự án từ nguồn tăng thu sang nguồn dự phòng, nên khi triển khai có thêm bước xin ý kiến các địa phương, bộ, ngành; trong đó có nguyên tắc tiêu chí sử dụng nguồn vốn, các điều kiện cũng như cam kết của địa phương để đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Trên cơ sở ý kiến của 13 địa phương và các bộ, ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ về tổng nguồn là bổ sung 4.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 để hỗ trợ cho 13 địa phương.

Đối với 8 địa phương Thủ tướng đã đi kiểm tra, có tỉnh Vĩnh Long có đề xuất khác với ban đầu. Đối với 5 địa phương Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, có 4 tỉnh thống nhất phương án của Bộ, riêng Long An chưa tán thành. Tỉnh đề xuất 1 dự án ở Cần Giuộc với mức vốn 250 tỷ đồng nhưng đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng dự án không cần thiết phải bố trí tới số vốn đó mà chia nguồn vốn này cho 2 dự án.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Bộ đồng ý với tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả về quá trình làm, nguyên tắc chỉ đạo, các danh mục.

Đại diện Bộ Tư pháp nêu quan điểm, tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu, 13 địa phương có văn bản khẳng định tính khẩn cấp, cấp bách và xếp thứ tự ưu tiên, cam kết hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện giải ngân nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 theo đúng thời gian quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước; đồng thời cam kết đã sử dụng ngân sách dự phòng của tỉnh để thực hiện nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, sẽ đảm bảo hiệu quả của dự án đầu tư. Thông tin trong tờ trình của Bộ đã đáp ứng tiêu chí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật

Video nổi bật