Ban hành các Nghị quyết về việc sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính của 21 tỉnh thành

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 đối với 21 tỉnh, TP trực thuộc trung ương gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau, Đà Nẵng, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Kiên Giang, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Long An, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Thái Nguyên, Thanh Hóa và Yên Bái.

Ban hành các Nghị quyết về việc sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính của 21 tỉnh thành - Ảnh 1.

Ngày 24/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành, nhất trí thông qua các Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 của 21 tỉnh, thành phố.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đã ký ban hành Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.

Theo đó, vào ngày 24/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định đối với các Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 21 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau, Đà Nẵng, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Kiên Giang, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Long An, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Thái Nguyên, Thanh Hóa và Yên Bái theo các Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình lãnh đạo, tổ chức thực hiện, thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành cũng như tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị tại 21 tỉnh, thành phố nêu trên trong việc quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng và các quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; Ủy ban Pháp luật đã chủ động phối hợp với các cơ quan của Chính phủ và địa phương khẩn trương nghiên cứu, tổ chức thẩm tra các Đề án bảo đảm yêu cầu về chất lượng, tiến độ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tại phiên họp này.

Ban hành các Nghị quyết về việc sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính của 21 tỉnh thành - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp ngày 24/10

Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua 37 Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 37 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2023 - 2025 (chưa bao gồm việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành về nguyên tắc nhưng chưa ban hành Nghị quyết); qua đó, đã thực hiện sắp xếp đối với 25 đơn vị hành chính cấp huyện, 756 đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2025; giảm được 7 đơn vị hành chính cấp huyện, 373 đơn vị hành chính cấp xã.

Để tiếp tục khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp và tổ chức triển khai thi hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 tại các địa phương trong cả nước, kịp ổn định tổ chức bộ máy và tiến hành Đại hội đảng bộ các cấp ở cơ sở theo yêu cầu tại Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, lưu ý một số nội dung.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc nghiên cứu xây dựng và phê duyệt phương án tổng thể về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các địa phương để thực hiện tốt hơn trong giai đoạn 2026 - 2030, bảo đảm các đơn vị hình thành sau sắp xếp đạt các tiêu chuẩn theo quy định và đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của công tác sắp xếp đơn vị hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với các đơn vị hành chính thuộc diện phải sắp xếp mà Chính phủ đề nghị chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá, chủ động xây dựng phương án và có lộ trình bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn cần thiết để thực hiện việc sắp xếp khi có đủ điều kiện theo đúng yêu cầu nêu tại Nghị quyết số 37-NQ/TW, Kết luận số 48-KT/TW của Bộ Chính trị và các Nghị quyết, Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa thực hiện sắp xếp do chưa hoàn thành thủ tục liên quan đến quy hoạch đô thị hoặc chưa tổ chức lập đề án phân loại đô thị, rà soát tiêu chí phân loại đô thị, đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, đề nghị Chính phủ đôn đốc, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các quy trình, thủ tục theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 và Nghị quyết số 50/2024/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với các đơn vị hành chính mà Chính phủ, chính quyền địa phương đã có cam kết về việc bảo đảm hoàn thành công tác lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị và đánh giá, công nhận loại đô thị đối với đơn vị hành chính đô thị hình thành sau sắp xếp, đề nghị cần tiếp tục tập trung thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm hoàn thành trước ngày 31/12/2025 như đã cam kết.

Đối với Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn lại, đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm tiến độ và yêu cầu của việc sắp xếp đơn vị hành chính.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của địa phương mình giai đoạn 2023 - 2025 ngay sau khi Nghị quyết được ban hành; tập trung các giải pháp và nguồn lực để bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng, giải quyết tốt vấn đề bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư và trụ sở, tài sản công, ưu tiên bố trí trụ sở công dôi dư làm trụ sở Công an xã, sớm ổn định hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị ở địa phương, quan tâm đến việc bố trí ngân sách, hỗ trợ đầu tư phục vụ việc sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức khi thay đổi giấy tờ có liên quan và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của các đơn vị hành chính vừa được sắp xếp, thành lập mới, hạn chế gây xáo trộn lớn đến đời sống của Nhân dân; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để giải quyết những khó khăn của cán bộ, Nhân dân khi sắp xếp đơn vị hành chính; quan tâm, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng về nội dung Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của địa phương mình và chuẩn bị thật tốt cho Đại hội đảng bộ các cấp ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cũng Chính phủ chỉ đạo các Bộ có liên quan khẩn trương rà soát, lập danh mục và triển khai việc bố trí khoản hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 22 của Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trường hợp có khó khăn, vướng mắc thì chủ động chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết hoặc báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật

Video nổi bật