8 dự án luật dự kiến được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc trọng thể vào ngày 23/10/2023, dự kiến bế mạc vào ngày 28/11/2023 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 8 dự án Luật, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Ngày 20/11/2014, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật BHXH số 58/2014/QH13 (sau đây gọi tắt là Luật BHXH năm 2014) thay thế Luật BHXH số 71/2006/QH11, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016. Qua hơn 7 năm thi hành, Luật BHXH năm 2014 đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014 cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập như: diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH trên thực tế còn thấp so với tiềm năng ; (iii) chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn người dân tham gia; (iv) một số quy định không còn phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn... Do đó, việc sửa đổi Luật BHXH năm 2014 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội gồm 10 chương, 136 điều.

Trình sửa Luật Bảo hiểm xã hội trong tháng 8, hạn chế tối đa rút BHXH 1 lần Trình sửa Luật Bảo hiểm xã hội trong tháng 8, hạn chế tối đa rút BHXH 1 lần

VTV.vn - Bộ trưởng LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết sẽ trình sửa Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng tăng quyền lợi cho người lao động, đảm bảo người lao động không cần rút BHXH 1 lần.

Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Luật Lưu trữ (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII về việc hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực lưu trữ nhằm khơi dậy khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.

Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) gồm 9 chương, 68 điều (tăng 2 chương, 26 điều so với Luật Lưu trữ năm 2011). Những nội dung được sửa đổi, bổ sung của Dự án Luật tập trung vào 4 chính sách, gồm: Quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ; Quy định về lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số; Quy định về hoạt động lưu trữ tư; Quy định về hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Việc xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhằm thể chế đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, hoàn thiện hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp trong tình hình mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.

Dự thảo Luật công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp gồm 7 chương, 73 điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động và chế độ, chính sách đối với công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Luật Đường bộ (sửa đổi)

Việc xây dựng Luật Đường bộ (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng đường bộ; vận tải đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ.

Dự thảo Luật Đường bộ (sửa đổi) gồm 6 chương, 92 điều. So với dự thảo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã chuyển 3 chương sang Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (đó là chương: quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, phương tiện tham gia giao thông đường bộ).

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Việc xây dựng Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đảm bảo sự điều chỉnh sát thực tế về pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, phù hợp với xu thế phát triển phát luật của nước ta và thông lệ quốc tế.

Dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm 9 chương, 81 Điều.

Luật Thủ đô (sửa đổi)

Việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chủ trương của Đảng tại các nghị quyết có liên quan; khắc phục những tồn tại, hạn chế; tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Luật Thủ đô phải được đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Luật Thủ đô phải được đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật

VTV.vn - Chiều 25/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân được sửa đổi nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) gồm 154 điều được bố cục thành 9 chương; trong đó, bổ sung 54 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên: 7 điều (giảm 2 chương, tăng thêm 57 điều so với Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2014).

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển dịch vụ đấu giá tài sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, chất lượng hoạt động đấu giá tài sản; khắc phục những hạn chế, bất cập, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản gồm 3 điều, bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và 3 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được thông qua, đồng thời rà soát, cập nhật đầy đủ các loại tài sản mà pháp luật hiện hành quy định phải bán thông qua đấu giá.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật

Video nổi bật