56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu". 56 ngày đêm tại một thung lũng hẻo lánh phía Tây Bắc của Việt Nam đã góp phần làm thay đổi dòng chảy lịch sử thế giới trong thế kỷ 20.
Từ chiến thuật đánh nhanh, thắng nhanh, bộ đội Việt Nam chuyển sang chiến thuật đánh chắc, thắng chắc. Quyết định làm thay đổi lịch sử, thay đổi cục diện chiến tranh. Điều này được báo hiệu ngay từ trận mở màn của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ngày 13/3/1954, sự yên tĩnh ở lòng chảo Điện Biên Phủ đã bị xé toang lúc 17h05 bởi loạt đạn pháo tiến công của Việt Minh vào cứ điểm Him Lam.
Lệnh động viên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Bảo tàng tỉnh Điện Biên.
"Lần đầu tiên chúng ta xuất quân vào buổi chiều dưới chiến hào. Sau khi đọc thư của Bác và lệnh động viên của Đại tướng theo tiếng nhạc của văn công, bài Chiến sĩ Việt Nam thề phục quốc, tiến lên Việt Nam, là trang nam nhi quyết chiến trường, những cái câu hát như thế, lính vừa hát vừa chạy ra chiến trường. Đấy là cảnh xuất quân hùng tráng nhất mà chúng tôi được chứng kiến", Đại tá Nguyễn Hữu Tài, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 (năm 1954), chia sẻ.
Đồi Him Lam - nơi diễn ra trận công kích mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Lựa chọn nơi mà người Pháp cho là bất khả xâm phạm để mở màn trận công kích, bộ đội Việt Nam thể hiện quyết tâm chỉ được thắng.
"Đại tướng cho pháo binh phát hỏa. 22 khẩu pháo của ta tập trung trút bão lửa lên 3 ngọn đồi", ông Bùi Kim Điều, Đại đoàn 312 (năm 1954), cho biết.
Bộ đội ta xông lên đánh chiếm cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, chiều 13/3/1954. Ảnh: Tư liệu/TTXVN
70 năm trước, ông Đặng Quân Thụy, lúc đó là sĩ quan tham mưu tác chiến tại Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông cho biết không khí căng thẳng ở Sở Chỉ huy dần qua nhanh cho đến lúc nhận được tin báo từ Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ.
"Thắng lợi nhanh chóng và giòn giã. Tiêu diệt luôn sở chỉ huy của tiểu đoàn giữ Him Lam nên đối phó của địch ở trận địa rất là lúng túng, bị động", nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Đặng Quân Thụy, sĩ quan tác chiến tại Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), cho hay.
Phim "Điện Biên Phủ - Bản báo cáo mật" đã mô tả trận giao chiến trong đêm ngày 13/3: "Béatrice đầu hàng trước lúc rạng đông. Ngày thức dậy ở Điện Biên Phủ dưới những công sự đầy xác người. Căn cứ lớn bị thất thủ.Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp, tướng Nava tuyên bố từ Hà Nội "Không nên ảo tưởng nữa. Chúng ta đã thua rồi!".
Người Pháp gọi ngọn đồi thất thủ là Béatrice. Còn Việt Nam gọi là Him Lam. Chiếm được Him Lam là một trong những nơi người Pháp cho rằng là bất khả xâm phạm, nơi tập trung hỏa lực mạnh nhất của quân Pháp tại Điện Biên Phủ. Chiếm được Him Lam, chiếm được nơi mạnh nhất của quân Pháp tại đây đã củng cố thêm niềm tin tất thắng trong chiến dịch này.
Ngay sau Him Lam, cứ điểm đồi Độc Lập và Bản Kéo, phòng tuyến vòng ngoài về phía đông bắc, phía bắc lần lượt bị phá vỡ. Tuy nhiên, để đi đến thắng lợi cuối cùng, những người lính Việt Minh đã phải trải qua 56 ngày đêm ''mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non'', anh dũng, quật cường.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, từ hôm nay (13/3), Đài Truyền hình Việt Nam sẽ mở màn cho đợt tuyên truyền qua nhiều phóng sự, chuyên mục trên nhiều kênh, đa nền tảng của VTV.
Thông qua đó, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; động viên, khích lệ đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên và Tây Bắc; tôn vinh, tri ân người có công với cách mạng, với đồng bào, chiến sĩ đã đóng góp công sức, xương máu để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
VTV.vn - Chiến thắng Him Lam oanh liệt giáng đòn mạnh vào sự kiêu căng, tự đắc của thực dân Pháp về một "cánh cửa thép", làm tiền đề cho Chiến thắng Điện Biên Phủ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!