"Bốc thuốc kê đơn'' cho ''căn bệnh'' sợ trách nhiệm

Thời gian qua, tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ đã và đang tạo ra những điểm nghẽn, tạo sự trì trệ trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Suốt 30 năm nay, hàng trăm hộ dân ở xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội không được chính quyền cấp sổ đỏ. Lý do là bởi khu đất họ đang sinh sống nằm trong quy hoạch xây dựng sân bay quốc tế Nội Bài mở rộng, dù đây là dự án treo. Điều này dẫn đến lãnh đạo thành phố phải vào cuộc.

"Là quyền lợi chính đáng thì phải cấp sổ đỏ cho người dân. Quan điểm của tôi là vậy. Vì mục đích quốc gia, có dân nào phản đối. Người ta ở lâu rồi thì đền bù, có sổ hay không có sổ không ảnh hưởng đến nhau", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Tình trạng đùn đẩy, né tránh trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ cấp dưới để cấp trên phải giải quyết, không phải là chuyện riêng của Hà Nội. Trên thực tế, việc cán bộ chậm giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp, hướng dẫn không rõ ràng; đẩy việc; xin ý kiến những vấn đề thuộc thẩm quyền đã xuất hiện ở nhiều bộ, ngành, địa phương.

"Tất cả những việc đùn đẩy, né tránh, không dám làm là một hiện tượng tiêu cực, cần phải đưa vào trong công tác đánh giá, kiểm điểm. Thêm vào đó, các đánh giá, kiểm điểm phải chỉ ra việc gì cụ thể", ông Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, nêu quan điểm.

Để giải quyết tình trạng này, một loạt địa phương đã đề ra các giải pháp, như Thanh Hóa quyết tâm điều chuyển, thay thế những cán bộ, công chức, viên chức không dám làm, né tránh, đùn đẩy. Tỉnh Nghệ An đưa ra các hình thức răn đe cán bộ chậm giải quyết hồ sơ, tờ trình. Còn tại Đà Nẵng, nhằm lấy lại hình ảnh là một điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội, thành phố đã quyết định đưa ra những đề xuất đột phá.

"TP Đà Nẵng đề xuất thí điểm thực hiện khu thương mại tự do. Đây là một trong những việc dám nghĩ, dám làm của Đà Nẵng trong việc thử nghiệm mô hình đã được thế giới khẳng định, nhưng chưa có tiền lệ, chưa có thực tiễn ở Việt Nam. Do đó chúng tôi xác định việc này có rủi ro, nhưng chúng tôi chấp nhận", Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết.

Bản lĩnh và đạo đức của cán bộ trong giai đoạn mới

Xác định, chấp nhận rủi ro để tạo đột phá, đó là yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên nói chung để đáp ứng kỳ vọng của người dân và yêu cầu phát triển của đất nước. Trong giai đoạn mới, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức càng phải là những người thực sự có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung. Đây cũng chính là một trong những chuẩn mực đạo đức của cán bộ đảng viên, được nhấn mạnh trong Quy định 144 mới đây của Bộ Chính trị.

Theo Quy định 144, "Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung" là chuẩn mực đạo đức mỗi cán bộ đảng viên phải có. Quy định cũng nêu rõ kiên quyết đấu tranh, phê phán mọi hành vi né tránh, đùn đẩy hoặc có tư tưởng trung bình chủ nghĩa, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm. Trong bối cảnh hiện nay, quy định này được cho là hết sức đúng đắn và cần kíp.

"Đây không phải chỉ là câu chuyện khuyến khích nữa, mà trở thành câu chuyện bắt buộc, là trách nhiệm, là bản lĩnh, thể hiện tố chất của người cán bộ cách mạng trong bối cảnh hiện nay", TS. Nguyễn Văn Tạo, Học viện Hành chính Quốc gia, nhận định.

Nhiều ý kiến cho rằng, thực hiện nghiêm quy định của Bộ Chính trị sẽ góp phần điều trị hiệu quả căn bệnh đùn đẩy, sợ trách nhiệm, đồng thời cũng là cơ chế để khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám hành động với động cơ trong sáng, không vụ lợi. Đây cũng là tiêu chí để lựa chọn nhân sự đưa vào cấp ủy khóa mới.

"Từ chủ trương của Đảng, lần này chúng ta phải đưa vào Văn kiện Đại hội XIV một chủ trương rất quyết liệt như đồng chí Tổng Bí thư nêu là phải đổi mới căn bản, toàn diện công tác cán bộ, phải xây dựng cho được một thể chế, chính sách để mà khuyến khích những cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, hành động quyết liệt vì lợi ích chung", PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Khoa học Các cơ quan Đảng Trung ương, nêu ý kiến.

"Chúng ta cần phải có một khuôn khổ pháp lý cao hơn, phải cho phép cán bộ được quyền vận dụng, được quyền sáng tạo khác hơn và cơ quan có thẩm quyền trên cơ sở xét thấy cách thực hiện phù hợp với thực tế thì vẫn được phép cho thực hiện", ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, đề xuất.

Những yêu cầu của thực tiễn đang đòi hỏi đội ngũ cán bộ của Đảng phải là những người có lý tưởng và thực sự bản lĩnh vì lợi ích của đất nước và lợi ích của nhân dân. Tiếp tục thể chế hóa những quy định của Đảng sẽ là những yếu tố tích cực giúp cán bộ dấn thân cống hiến.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm cản trở phát triển kinh tế Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm cản trở phát triển kinh tế

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu thực tế chất lượng tăng trưởng chưa nhiều cải thiện, chất lượng tăng năng suất đạt thấp, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết

Tin tức nổi bật

Video nổi bật